HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH LUẬT SƯ
Tiểu Luật Sư chưa có nhiều điều để chia sẻ về quá trình làm nghề. Chỉ có một chút ít kinh nghiệm về con đường đi đến vạch xuất phát trong nghề Luật sư. Các bạn trẻ nào đang quan tâm về nghề của mình thì bơi vào xem nha!
Hồi nhỏ coi phim Hồng Kông, thấy Luật sư đội tóc giả đứng trước Toà tranh luận bảo vệ cho thân chủ mà mình vô cùng ngưỡng mộ, trong lòng ngập tràn mơ ước. Thế là mình nộp đơn vào trường Luật, khối A và D đều chỉ thi Luật, nhất định phải đậu Luật. May quá đậu ngay NV1.
Nhiều người lầm tưởng tốt nghiệp Đại học Luật xong là sẽ trở thành Luật sư ngay. Ô nô, nố nố nô nô nô! Để cầm được tấm thẻ này trên tay thì phải đi thỉnh kinh, vượt qua 81 kiếp nạn mới chạm tới.
Bước 1: Vào Đại học Luật
Ngày trước lúc mình học thì nghề luật là một trong những nghề không đào tạo hệ cao đẳng (giờ hình như vẫn vậy). Để trở tham gia khoá đào tạo luật sư thì bắt buộc bạn phải có bằng Cử nhân luật (chính quy hoặc vừa học vừa làm).
Khi học ngành luật thì tuỳ trường mà môn học sẽ khác nhau. Ví dụ ở trường UL thì không dạy các môn Kinh tế vĩ mô, Toán cao cấp, còn UEL thì có dạy môn này trong chương trình.
Mỗi ngành thì sẽ định hướng khác nhau. Tuy nhiên theo mình thấy, nội dung chính giữa Luật Dân sự với Luật Thương mại, Luật Hình sự nó cũng na ná. Chỉ khác nhau tầm 15-20 tín chỉ.
Luật thì có nguyên một rừng luật, ngoài xã hội thì có khi lại áp dụng “luật rừng” nên học bao nhiêu cho đủ. Ngành luật chỉ đào tạo cho mình kỹ năng cơ bản để đọc hiểu luật, nắm tinh thần luật, cách lập luận phân tích tư duy vấn đề và kỹ năng cần thiết.
Do đó học giỏi là một chuyện, ra trường đi làm giỏi hay không là chuyện khác nữa.
Bước 2: Khoá đào tạo Luật sư
Sau khi đã có bằng tốt nghiệp Cử nhân luật thì bạn có thể đăng ký học Khoá đào tạo Luật sư ở Học viện Tư pháp (địa chỉ ở Kha Vạn Cân, Thủ Đức). Có 2 lớp để cho mình chọn là lớp Buổi tối trong tuần và lớp Thứ 7 – Chủ nhật.
Nếu học lớp Buổi tối trong tuần thì thời gian học khoảng 12-15 tháng. Nhưng chắc chỉ có bạn nào nhà ở Thủ Đức hoặc siêu nhân mới học nổi, vì khi đi làm văn phòng có mấy ngày được về trước 6h tối đâu mà 6h có mặt ở Thủ Đức học.
Còn học Thứ 7 Chủ nhật thì kéo dài khoảng 18 tháng hơn. Như vậy thì đỡ cực phải đi học mỗi ngày, gom lại 2 ngày cuối tuần học từ sáng tới chiều. Nhưng mà đi làm cả tuần xù đầu, cuối tuần đi học la lết ngoài Thủ Đức gần 2 năm cũng khá là phê. Hồi đó đi học, nhìn bạn bè đi chơi mình khóc lên khóc xuống luôn ớ.
Học Khoá đào tạo này thì chủ yếu là học về Kỹ năng hành nghề Luật sư cho nên kiến thức cũng không có gì mới. Mình phải vận dụng kiến thức để áp dụng trong các dạng tình huống cụ thể.
Đi học Khoá này thì cũng không quá căng thẳng như học Đại học nhưng mà do giai đoạn này đầu óc không còn tập trung nổi. Ngoài đi học mình còn bị chi phối bởi công việc, deadline, sếp dí, khách hàng dí.
Do đó, một số kinh nghiệm của mình khi học luật sư để qua ải dễ dàng mà không bị hành mất ăn mất ngủ là:
- Nắm luật: nghỉ bao nhiêu cấm thi, bao nhiêu điểm qua môn, môn nào thi môn nào làm tiểu luận/diễn án và quan trọng là các deadline. Sau đó thì linh hoạt thích ứng.
- Tận dụng: tận dụng tài liệu, văn bản pháp luật để làm bài; tận dụng bạn bè để làm bài tập nhóm, diễn án, thậm chí là …thi cử kkkk
Nói chứ đi học luật sư lợi nhất là kết giao được với nhiều mối quan hệ mới, nên hãy cố gắng tận dụng để giúp cho quá trình hành nghề sau này của mình có thêm nhiều cánh cửa hơn nữa nha.
Bước 3: Tập sự Luật sư
Sau khi nhận Chứng chỉ hoàn thành khoá đào tạo luật sư thì chúng ta sẽ tìm một Tổ chức hành nghề Luật sư để nộp hồ sơ tập sự. Mình không nhất thiết là phải tới chỗ này làm đâu, nhưng mà tốt nhất là phải có tới chỗ này xin hồ sơ về nghiên cứu.
Để chi? Để cuối kỳ tập sự (sau 12 tháng) còn phải làm Báo cáo tập sự nữa. Chạy chọt tìm chỗ ký tên xác nhận tập sự mà không có hồ sơ, tới chừng ra Hội đồng vấn đáp bị hỏi xoáy đáp xoay là khóc tiếng Miên liền.
Bước 4: Thi kiểm tra kết quả tập sự Luật sư
Kỳ thi này rất là quan trọng và tỷ lệ rớt rất cao nè, gồm 2 phần:
– Thi vấn đáp về vụ việc đã làm trong khi tập sự.
– Thi viết – gồm 2 bài thi:
- Đạo đức hành nghề Luật sư (phải học thuộc lòng)
- Kỹ năng tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật (nội dung bao gồm cả Dân sự, Hình sự và các môn khác như Doanh nghiệp, Hành chính, Sở hữu trí tuệ,…
Mỗi người có một thế mạnh riêng, nhưng kỳ thi này đòi hỏi mảng nào cũng phải biết nên có không ít người thi 3 4 lần mới đậu.
Ngày thi thì ai nấy vác theo một đống văn bản pháp luật, nhiều người đựng đống văn bản đó trong vali to đùng rồi kéo đi dọc hành lang. Cảnh tượng khiến ai yếu bóng vía đều phải khóc thét. Nhưng mà mình đã nghĩ kỹ, đem nhiều mua được sự yên tâm nhưng sẽ làm mình rối. Thời gian làm bài có bao nhiêu đó mà phải bới trong núi sách để tìm ra văn bản mình muốn thì quả thật là mạo hiểm.
Chi bằng mình ưu tiên sắp xếp chỉ đem những gì quan trọng (như Luật & Nghị định), còn Công văn, Hướng dẫn, Án lệ mình bỏ bớt ra.
Thi xong là hồi hộp chờ kết quả. Nếu may mắn được gọi tên thì lại phải làm thêm bước nữa.
Bước 5: Xin cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư
Trong hồ sơ này có yêu cầu Lý lịch tư pháp. Mà giấy này phải về nơi thường trú làm hơi lâu. Nên thi xong dù chưa biết đậu rớt các bạn cũng nên làm sớm. Hễ được gọi tên là có mà đi nộp liền. Nếu không, ở TP. HCM, lỡ để quá đợt cấp thì phải đợi dài cổ mới tới đợt khác.
Có Chứng chỉ này thì coi như là được đường hoàng vỗ ngực xưng danh: Tôi là Luật sư rồi. Nhưng mà muốn thật sự được “hành nghề” lại phải qua bước nữa.
Bước 6: Gia nhập Đoàn Luật sư
Luật sư phải gia nhập Đoàn Luật sư của một tỉnh/thành phố nào đó. Cho nên phải nộp bộ hồ sơ và đóng Đoàn phí mới được có Thẻ hành nghề.
Mỗi năm, Luật sư lại phải tham gia Khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ Luật sư và đóng phí duy trì đoàn phí nữa. Rồi Luật sư định hướng mảng gì thì phải nghiên cứu và va chạm thực tế về nó nhiều thật nhiều mới mở mang tầm mắt. Chưa kể Luật thay đổi xoành xoạch nên tự Luật sư phải cập nhật, nghiên cứu để không trở nên lỗi thời.
Mà quan trọng nhất cũng phải cái kỹ năng làm việc với khách hàng, với cơ quan nhà nước, với những người có liên quan nữa nha. Luật sư giỏi chuyên môn và kỹ năng kém thì cũng không thể ra ngô ra khoai gì.
Bây giờ tuy đã được cầm tấm Thẻ đỏ trong tay nhưng mình biết con đường trở thành Đại Luật sư chỉ vừa mới thật sự bắt đầu.
Bạn nào đang định hướng trở thành Luật sư nhất định phải hình dung ra được con đường này và sẵn sàng “trả giá” nhé!
Bù lại, Trân tin hào quang sẽ xứng đáng dành cho cho những ai nghiêm túc theo đuổi nghề nghiệp của mình. Và dù là bất cứ nghề nghiệp gì cũng cao quý như nhau.
Bạn và Trân cố lên nào!