CHUYỆN TIỀN BẠC KHÔNG NÊN NÓI THẲNG
Từ khi lên lớp 6, mẹ cho tiền mình theo tháng, sau đó là theo quý, có khi cả học kì. Tiền sinh hoạt ngày 2 ngàn, tháng 60 ngàn, 3 tháng 180 ngàn. Tiền học thêm mỗi môn 50, 3 môn 150, 3 tháng 450. Cứ vậy cứ hết vụ lúa là mẹ cho mình lãnh lương 630 ngàn.
Mình tự giữ một cục tiền và tự phân bố ra để xoay sở. Hết thì nhịn. Từ nhỏ đến lớn, mình chưa bao giờ mở miệng xin tiền ai, thậm chí cả cha mẹ.
Khi thích món gì đó, mình sẽ tìm cách than thở về tình trạng hiện tại, vẽ ra sự tốt đẹp khi sở hữu thứ đó. Nếu cha mẹ động lòng thì sẽ mua cho mình, còn không thì thôi.
Với mình, thẳng thắng đề cập chuyện tiền bạc là điều xấu xa, mất thể diện.
***
Điều đó đã dẫn đến thất bại của mình trong quá trình deal lương khi mới ra trường. Nhà tuyển dụng hỏi:
– Mức lương mong muốn của em là bao nhiêu?
Mình đã bảo:
– Em mới ra trường nên chị trả em bao nhiêu cũng được. Trong quá trình làm, em sẽ chứng minh năng lực cho chị thấy rồi chị tăng lương cho em.
Mình được nhận với mức lương bèo, cho những công việc hết sức áp lực. Dĩ nhiên sếp nhận thức được khả năng của mình. Nhưng hợp đồng đã ký, lý do gì sếp phải tăng lương cho tốn kém?
4 năm đi làm, có 1 lần duy nhất mình được tăng 500 ka sau khi hết thử việc.
***
Rồi mình bắt đầu ra khởi nghiệp. Khi công ty bắt đầu có khách cũng là lúc mình đối mặt với vấn đề tiền bạc. Nhất là công ty mình làm về dịch vụ, định giá dịch vụ đã khó, xây dựng quy trình thu phí khách hàng còn khó hơn.
Ban đầu mình có một suy nghĩ là:
– Nếu khách không nói gì thì mình sẽ thu phí theo giá niêm yết.
– Còn nếu khách khó khăn, chê mắc rẻ thì mình sẽ giảm giá cho xong chuyện. Vài trăm ngàn mà phải cò kè thì mình thấy mất lòng tự trọng lắm.
Nhưng đó là sai lầm các bạn ạ.
Giá cả tương ứng với phạm vi dịch vụ mình đã nêu rõ. Vài trăm ngàn đó là khách muốn cò kè giảm giá để lợi thêm cho họ chứ không phải là mình đang xin thêm. Do đó, mình giữ giá dịch vụ không giảm thì không có gì đáng xấu hổ cả.
Bây giờ, quan điểm của mình là:
– Khách hàng tử tế, khách quen thì mình sẽ hỗ trợ thêm việc này việc kia miễn phí hoặc là chiết khấu phí dịch vụ.
– Khách chỉ quan tâm giá tiền thì mình từ chối luôn.
“Dạ xin lỗi, bên em không cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, bên em đảm bảo chất lượng dịch vụ tương xứng với chi phí anh chị đã thanh toán.”
***
Nếu nói mình làm việc chỉ vì đam mê thì không đúng, mọi công sức đều cần thu được thành quả để tạo động lực làm tốt hơn nữa. Nên thực hiện dịch vụ và được thanh toán phí dịch vụ là một điều cần thiết.
Tuy nhiên, mình không cần tiền đến mức ép bản thân phải làm những việc mà mình không thoải mái khi làm. Cả nhân viên mình cũng vậy.
Nếu bạn ấy đã cư xử đúng mà khách hàng vẫn làm trịch làm thượng thì mình sẽ ra mặt để bảo vệ nhân viên của mình. Thậm chí là trả lại tiền chấm dứt dịch vụ.
Dĩ nhiên, lỗi phải là do khách quan và mình đã tìm mọi cách hỗ trợ, giải quyết mà khách hàng không chịu hiểu. Mình sẵn sàng từ chối một khách để đảm bảo tinh thần làm việc luôn ở mức 100% khi hỗ trợ những khách hàng còn lại.
Chỉ vì một khách xấu tính làm ảnh hưởng tâm trạng của mình. Rồi mình phục vụ những khách hàng thiện lành khác không tốt thì quả là bất công với họ.
***
Chốt xong phí dịch vụ thì đến công đoạn mà ngày xưa mình luôn lãng tránh, đó là: thu tiền. Khởi nghiệp đến năm thứ 4, mình đã bị 4 người xù nợ. Lý do lần lượt như sau:
1. Anh Hờ: mình tin vào lời hứa hẹn bằng danh dự và uy tín của khách. Tiền bạc đối với anh không quan trọng. Xong hồ sơ anh trả tiền. Đến nay 3 năm, tiền chưa thấy.
2. Chị Hờ: mình tin rằng giữ bản chính Giấy phép thì chắc chắn khách phải trả tiền để lấy về chứ. Đến nay 2 năm, mình vẫn giữ đầy đủ Giấy phép, con dấu, chữ ký số của công ty này.
3. Anh Million: sau khi anh cung cấp profile công ty hoành tá tràng, đầy đủ thông tin chi tiết thì mình đã yên tâm. Bàn giao bản Hợp đồng mấy chục trang mà mình đã vắt óc ra xây dựng cho anh, anh bảo để từ từ anh xem, xem xong anh thanh toán. Đến nay…
4. Anh Thờ: anh muốn làm thủ tục bán công ty. Em soạn sẵn hồ sơ rồi đi theo anh ra gặp khách hàng trao đổi xong rồi ký luôn, anh thanh toán.
Hôm đó mình được ăn phở, ngồi siêu xe từ quán phở tới quán cà phê, nghe khách thương lượng giá miếng đất 60 tỉ trên Tà Đùng thay vì mua bán công ty như thông tin ban đầu. Hết buổi, khách kéo nhau đi công chứng đặt cọc đất. Mình ôm bộ hồ sơ lủi thủi đặt grab về.
Mãi đến sau khách không bao giờ nhắc tới chuyện bán công ty nữa và dĩ nhiên toàn bộ công sức của mình đổ sông đổ biển. Thật ra khách chỉ muốn mình đi cùng để giới thiệu là Luật sư cho khách có uy, chốt được đất giá cao thôi đó.
***
Qua những vụ này mà mình đã rút ra được bài học xương máu về việc thanh toán cho Công ty của mình. Mọi thứ đều có quy trình, nhân viên mình cứ thế mà làm qua các bước.
Thay vì dành thời gian để nhắc nhở thậm chí năn nỉ khách thanh toán thì các bạn dành thời gian đó hỗ trợ những khách hàng khác chu đáo hơn, sâu sắc hơn.
Quan niệm về sự phục vụ để được ban phát tiền đã vô cùng lỗi thời. Bây giờ không chỉ người bán cần khách hàng mà người mua cũng rất cần những đơn vị uy tín.
Mối quan hệ này là đôi bên cùng có lợi. Do đó, việc thanh toán phí không phải là đi xin xỏ điều gì và mình không còn ngại ngùng khi đưa ra đề nghị thanh toán. Miễn sao giá trị mình đem lại cho khách hàng tương xứng với chi phí đã thu thì đó là niềm kiêu hãnh.
Cũng giống như vụ xin tiền, bây giờ mình hết sỉ diện ảo rồi. Mỗi khi thấy chồng có rủng rỉnh tiền thì mình phải sáp lại gần tỉ tê xin xỏ. Chồng mình, mình xin chứ có gì đâu mà tự ái kaka