ahappyTRAN

Trân không phải là chuyên gia mà chỉ kể câu chuyện của Bản thân mình

HỌC NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ

Còn 2 ngày nữa, em gái 2k4 của mình thi Đại học. Sau 10 năm, ngoài hình thức thi khác xa, thì Tâm lý của các sĩ tử cũng khác xưa rất nhiều.

Việc đậu Đại học bây giờ có thể nói là dễ hơn. Không học trường này thì học trường khác. Số lượng và chất lượng trường Đại học tư nhân, Đại học Quốc tế ngày càng tăng. Đầu vào các trường này hầu như không mấy khó khăn vì họ quản lý chất lượng ở khâu đầu ra, ai có tiền xin mời vào học.

Dù vậy thì một số ngành đặc thù, điểm chuẩn vẫn rất cao và có xu hướng tiến về tuyệt đối. Mình đọc tin có nhiều bạn 29 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1.

Vậy đặt ra câu hỏi, học nhiều để làm gì trong khi trường nhỏ hay trường to thì cũng một tấm bằng đại học?

Trường điểm hay trường tư thì mục đích cuối cùng cũng là một công việc với mức thu nhập đảm bảo cuộc sống? Nếu dùng thước đo là mức lương sau khi tốt nghiệp thì chưa chắc những trường đại học lấy điểm cao sẽ bảo chứng cho mức lương cao tương ứng.

Thậm chí có rất nhiều ngành nghề lấy điểm cao chót vót nhưng mức lương sau khi ra trường lại lèo tèo. Điển hình như ngành bác sĩ hoặc ngành giáo viên. Ngành Luật cũng là một ngành học thì khó mà mặt bằng lương khởi điểm khá thấp.

Do đó, có nhiều bạn Gen Z mất dần động lực học tập hoặc cảm thấy hoang mang về những thành tích mà mình đạt được ở trường có ý nghĩa gì? Không biết khi tốt nghiệp mình có được đãi ngộ tương xứng với công sức mà mình đã bỏ ra hay không?

Mình học 18-19 năm xanh xao cả người, giác mạc phồng hơn chục độ diop, đến lúc ra trường nhìn mức lương 3.486.600 đồng chắc sẽ cười như mếu. Trong khi đứa bạn khác trong lớp thời cấp ba, thời sinh viên chả thấy nó học gì, cuộc vui nào cũng có mặt. Nhưng lúc ra trường vẫn thấy nó phơi phới, diện trên người nguyên cây đồ hiệu. Suốt ngày nó đăng hình quán nọ quán kia, du lịch chanh sả ngày này qua tháng nọ.

Trân không phải là đứa học giỏi nhất, nhưng cũng có thể được xếp vào nhóm học giỏi và cũng từng có thắc mắc tương tự. Tuy nhiên sau thời gian đi làm, Trân nhận thấy mọi nỗ lực đều có ý nghĩa của nó.

Khi mới ra trường, công việc của vị trí Nhân viên đòi hỏi lượng kiến thức không nhiều. Chủ yếu là cần những kỹ năng tổng hợp, xử lý vấn đề ở dạng thô, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp, bán hàng, thương lượng, đàm phán,…

Ngoài ra còn có những yếu tố khác như sự hòa đồng với đồng nghiệp, sự đóng góp cho hoạt động của công ty, xinh đẹp thôi cũng là lợi thế.

Song, đó chỉ là giai đoạn ban đầu. Làm việc được khoảng 3-5 năm, bạn sẽ thấy sự khác biệt.

Từ vị trí mới tốt nghiệp, chúng ta sẽ lần lượt chuyển sang vị trí Chuyên viên, Senior, Leader, thậm chí là Giám đốc. Khi đã lên chức thì mức độ chuyên môn sẽ đòi hỏi cao hơn. Lúc này năng lực chuyên môn sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong bộ tiêu chí đánh giá.

Những bạn học giỏi sẽ có dịp được kiểm chứng giá trị của nền tảng kiến thức vững chắc, kỷ luật bản thân, sự chăm chỉ, khả năng tư duy tốt.

Lúc này đây, bạn sẽ di chuyển tới thành công bằng tốc độ ánh sáng. Và việc bạn học giỏi hay không sẽ là yếu tố quyết định giữa một người bình thường và một người tốt, giữa một người tốt và một người vĩ đại.

Hiếm có vị bác sĩ, vị nhà giáo, vị luật sư đại tài nào tuổi đời còn trẻ. Những công việc đòi hỏi chuyên môn càng cao thì càng phải cống hiến nhiều thời gian thanh xuân để học tập, rèn luyện. Đừng lo, chắc chắn rằng tới thời điểm đạt đủ độ chín trong nghề thì công sức của bạn sẽ thu được thành quả vô cùng mĩ mãn.

Dĩ nhiên ngay từ đầu, nếu như bạn vừa là một người học giỏi, vừa là một người hội tụ những kỹ năng tuyệt vời thì bạn không cần phải mất 3-5 năm mới tỏa sáng. Vì vốn dĩ bạn đã là một Ngôi sao rồi.

Và nếu như bạn nghĩ rằng chỉ cần học giỏi là đủ mà không biết rèn luyện thêm những kỹ năng khác, thì cho dù có chờ đợi bao lâu cũng không thể tỏa sáng được.

Mình không nói rằng những bạn thời đi học học không giỏi thì sẽ không thành công. Kiến thức ở trường chỉ là một hạt cát so với đại dương mênh mông. Quan trọng nhất vẫn là khả năng tự học để có thể học tập suốt đời.

Nhiều bạn học trong trường không giỏi nhưng khi làm việc lại học rất nhanh và học từ thầy cô không hiệu quả nhưng lại học từ những bài học đường đời nhạy bén.

Bài viết này mình dành cho những bạn đang mất động lực học tập hay hoang mang chưa biết phải học thêm những kỹ năng gì, rèn luyện thêm những phẩm chất gì. Các bạn hãy làm tốt công việc trước mắt, nỗ lực hết sức cho những mục tiêu đề ra.

Khi có cơ hội thì hãy tận dụng để trao dồi thêm các kỹ năng và mở lòng ra để đón nhận những bài học cuộc sống.

12 năm đèn sách đã sắp về đến đích rồi. Giờ là lúc nghỉ ngơi, thư giãn chuẩn bị cho phần trình diễn cuối cùng. Cho dù các bạn chọn con đường nào cho mình thì kiến thức và kỹ năng đều quan trọng như nhau.

Và theo mình, ở những thời khắc quyết định thì việc có nền tảng kiến thức tốt cũng giống như đang có trong tay chiếc chìa khóa.

Chúc các bạn thành công ❤️

Trả lời