TỔNG HỢP MỘT SỐ CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO QUA FACEBOOK
Dưới đây là tổng hợp một số chiêu trò lừa đảo qua Facebook, Zalo và trên các nền tảng mạng xã hội. Các bạn nên cảnh giác trước những người lạ tiếp cận nhé.
1/ Hack Facebook và mượn tiền
Chiêu này quá quen rồi nên chắc mọi người cũng cảnh giác khi có ai nhờ nạp card điện thoại. Tuy nhiên gần đây bọn lừa đảo tinh vi hơn bằng cách đi từ tài khoản ngân hàng ra.
Ví dụ tụi nó mua được cái thẻ ATM có tên Nguyễn Thị Phương Thảo thì sẽ nhắm tới các nick FB là Phương Thảo, Nguyễn Thảo, Trần Thị Phương Thảo để hack rồi mượn tiền.
Bạn bè người quen thấy show ra số tài khoản giống tên sẽ có niềm tin để chuyển khoản hơn. Thế là sụp bẫy.
✅ Mẹo của mình là “Câu hỏi bảo mật”. Khi thấy bạn bè có dấu hiệu lạ, mình sẽ hỏi ngay:
– Lần gần đây nhất tụi mình gặp nhau là khi nào?
– Bồ cũ của mày tên gì?
– Hồi đại học tao ghét đứa nào nhất?
Không trả lời được vui lòng Biến!
2/ Người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà
Chiêu này mọi người cũng nghe nói nhiều rồi. Đặc điểm của “mấy anh” này là người nước ngoài (lúc trước là Tây, dạo này lộ quá nên chuyển qua thành HongKong và Singapore, Đài Loan đồ rồi).
::: Mô tuýp chung của mấy anh này sẽ có chung kịch bạn gợi lòng thương (vợ éc éc, vợ bỏ), tạo thiện cảm (nuôi thú cưng), đánh vào lòng tham: tham sắc (trai đẹp body 7 múi cục cục), tham tiền (mặc đồ vét doanh nhân, khoe tiền, khoe nhà, đi du lịch,…)
Ngày xưa nick ảo nhìn vào dễ phát hiện lắm vì bài đăng toàn gần đây thôi, không có tương tác.
Bây giờ họ rất tinh vi bằng cách đăng bài xong chỉnh lại ngày đăng lùi về 2017 – 2018. Ngoài ra các nick này còn like và comment qua lại lẫn nhau nhìn có vẻ rất thật.
Tuy nhiên cái gì giả tạo cũng rất dễ lộ. Những comment này rất vô tri như Amazing, Hello long time no see,… hoặc cố tình viết tiếng Hoa, tiếng Nga, tiếng Ả Rập gì đó cho mình không đọc được.
::: Hôm trước mình bị giả mạo trang cá nhân, bọn chúng cũng copy tất cả bài đăng của mình từ mới tới cũ.
Đăng lên rồi chỉnh ngày tháng lại cho lùi về quá khứ. Trong một tấm hình chụp con gái mình, tụi nó còn comment với nhau là “Bé Gạo đi đâu chơi đó”. Coi chịu nẩu không?
Làm quen xong họ sẽ làm gì mình hở? Kaka chiến lược này dài hơi nên trước tiên họ cứ tạo lòng tin và thăm dò mình cái đã, xem mình ngứa chỗ nào sẽ gãi chỗ đó.
– Thường thấy nhất là tặng quà, tặng tiền từ nước ngoài. Muốn rút thì sẽ phải đóng phí gì đó.
Có thể họ sẽ nhử cho mình vài lần tặng quà giá trị nhỏ vài trăm nghìn. Sau khi mình mất cảnh giác và ham muốn trỗi lên thì sẽ làm cho mình một vố thật đau.
– Nếu thấy tặng quà không ổn thì họ sẽ rủ mình đầu tư hoặc kinh doanh online gì đó. Cách thức cũng là nhấp nhả đến khi mình cắn mồi.
– Còn trúng con cá lòng tong thì họ sẽ dụ mình đi “xuất khẩu lao động” luôn.
Sang “nước ngoài” Campuchia để vô các “building” làm nghề lừa đảo giống họ. Kẻ bị tổn thương lại làm tổn thương người khác.
✅ Cách của mình, thấy mấy đối tượng này mon men hỏi “Tấm hình này đẹp quá, bạn chụp ở đâu vậy?”
là mình bảo “Thôi tui biết bạn là lừa đảo rồi”, kèm theo gửi link phóng sự “Bẫy” của VTV.
3/ Giả bộ là Nhân viên Sọp Pe gọi điện tặng quà tri ân
Sau khi gọi điện thì sẽ có một nick gửi quà cho mình chọn, trước khi chọn quà thì phải đồng ý kết bạn. Mình nói với họ là không chặn tin nhắn nên cứ trao đổi thôi vậy mà họ sừng lông lên bảo mình là không biết điều kkk.
Nhận quà là có thật nha, vài chục ngàn thả con tép bắt con tôm. Đồng ý kết bạn là để họ add mình vào các nhóm lùa gà đó.
– Ban đầu là chỉ xem người ta “chạy chương trình” thôi.
– Sau đó thì sẽ được yêu cầu làm nhiệm vụ nạp tiền vài chục, vài trăm ngàn để nhận chiết khấu. Tiền tươi về túi sẽ khiến con mồi máu chiến hơn, nạp nhiều hơn. Cộng với “đồng đội” cũng hăng hái, thúc giục.
::: Bạn đi chợ có hay bị kiểu “Cô ơi cá này bao nhiêu một ký?”. Ban đầu chỉ định mua nửa ký mà cô bán cá nhanh tay đậ* đầu 2 con chà bá bỏ lên cân “Của con 2 ký 180 ca” vẫn phải ngậm ngùi móc bóp không?
– Có người bán tín bán nghi, thậm chí không có tiền cũng ráng đi vay để nạp vào vì đồng đội hối thúc “chỉ còn có bà là chưa nạp tiền thôi đó”, “nhanh đi, ảnh hưởng tập thể quá”.
✅ Phương châm của mình là không kết bạn với người lạ, thoát khỏi mọi nhóm chat không quen, không nạp tiền vào bất kỳ công việc nào hết. Làm việc là bỏ sức ra nhận lương chứ không phải nạp tiền để nhận tiền.
4/ Cuộc gọi nhận bưu phẩm có thông báo nộp phạt vi phạm giao thông, nợ thẻ tín dụng ở xa lắc
Những thông báo này nghe rất phi lý. Ví dụ như mình ở Sài Gòn mà họ bảo mình gây tai nạn bỏ chạy ở Đà Nẵng bị camera ghi lại. Mình sẽ giải thích và nói rằng làm gì có chuyện đó.
Thế là họ chuyển máy cho mình gặp “Cán bộ công an phụ trách”. Ghê chưa, từ bưu điện mà nối máy được với Luật sư.
Nhiều người nghe tới Toà án, Công an là sợ phát khiếp. Sau khi anh CA pha ke hù doạ ở tù, khởi tố, bắt giam các kiểu thì con mồi sẽ chóng mặt, nhức đầu, sợ hãi.
Lúc này anh ấy bỏ nhỏ “có 50 lượng việc này mới xong”, thế là không ít người bị sập bẫy.
✅ Nếu là cơ quan nhà nước thật?
1 là giấy báo tới nhà,
2 là xe bít bùng tới trước cửa,
3 nếu có gọi điện thì cũng mời lên trụ sở uống trà.
Chả có cán bộ nào mà chủ động gọi điện gợi ý như vậy. Mơ kkk
5/ Nhấn vào link tải app
Chiêu trò này có mở bài, thân bài vô cùng đa dạng nhưng kết bài luôn là anh chị vui lòng nhấn vào link để tải app.
Nhập mã OTP thế là mất tiền.
⚠️ Ngoài ra thì còn nhiều chiêu trò khác nữa và ngày càng update tinh vi hơn. Họ sẵn sàng dành thời gian dài để tiếp cận làm quen đến khi mình mất cảnh giác sẽ ra đòn.
– Một là đánh vào nỗi sợ (sợ cơ quan nhà nước, sợ bị phạt, sợ bị làm phiền).
– Hai là đánh lòng tham: tâm lý ham tiền, muốn giàu nhanh.
– Ba là đánh vào sự thiếu hiểu biết, đặc biệt là hiểu biết về công nghệ để hack tài khoản lấy tiền.
Muốn diệt trừ bọn lừa đảo này chỉ có thể là đọc là xem nhiều kiến thức chính thống hơn, không ham giàu nhanh và không yếu đuối trước những lời hù doạ.