ahappyTRAN

Trân không phải là chuyên gia mà chỉ kể câu chuyện của Bản thân mình

KIỂM TRA NGUỒN GỐC SỮA CÔNG THỨC CHO CON

Trong phần này mình chỉ nói đến kinh nghiệm kiểm tra nguồn gốc sữa công thức là sữa thật, còn sữa giả thì do mình mua chỗ không uy tín nên mình không bàn nha.

1/ Kiểm tra nguồn gốc Sữa nhập khẩu

Sữa nhập khẩu thì cũng phải xem sản xuất tại nước nào? Hãng sản xuất có uy tín không, họ có nhà máy sản xuất không hay thuê gia công?

Đặc biệt theo mình là không nên mua “sữa nội địa” truyền miệng tại Việt Nam. Muốn nhập khẩu một loại sữa cho trẻ em vào Việt Nam thì phải có một trong 3 giấy tờ sau:

– Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale) hoặc
– Giấy chứng nhận xuất khẩu (Certificate of Exportation) hoặc
– Giấy chứng nhận y tế (Health Certificate)

Có rất nhiều sữa nước ngoài không có giấy tờ này, không đủ điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam liền gắn mác “sữa nội địa” không xuất khẩu – chỉ xách tay.

Vậy mà nhiều mẹ tin sái cổ. Không phải cứ nội địa là tốt đâu các bạn.

Đành rằng một số nước sẽ có chủ trương hàng nội địa sẽ tốt hơn hàng xuất khẩu (do họ ưu tiên cho dân họ được dùng đồ tinh tuý). Tuy nhiên hiện nay toàn cầu hoá, kinh doanh thì ai mua mình bán thôi.

Nên các thị trường bảo thủ như Nhật, Châu Âu thì cũng không còn khư khư “sản phẩm này tôi chỉ bán trong nước, không bán ra nước ngoài” rồi.

Sữa họ đã chuẩn thật thì xin các loại giấy tờ này trong 1 nốt nhạc.

::: Theo quy định thì sữa nhập khẩu xong phải làm thủ tục Công bố sản phẩm và dán tem phụ tiếng Việt lên sản phẩm.
Nên đọc trong tem sẽ thấy được sữa này “Sản xuất tại” đâu và Công ty nào chịu trách nhiệm nhập khẩu và phân phối sữa này nhé!

2/ Sữa đội lốt nhập khẩu

::: Các mẹ phải đọc rõ thông tin bao bì là “Nhập khẩu từ …” hay là “Nguyên liệu nhập khẩu từ …”?

Nếu là “nguyên liệu nhập khẩu” hay “Công nghệ Châu Âu, Nhật, Mỹ” thì 99% là sản xuất trong nước. Trừ khi nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ mà sản xuất tại Campuchia. Chứ đã nhập khẩu nguyên lon thì ghi tiểu tiết vậy làm gì.

Sản xuất trong nước chưa hẳn là dỏm. Nhưng các mẹ phải kiểm tra nguồn gốc sữa kỹ, đừng để bị Quảng cáo đánh lừa.

::: Họ cố tình ghi tên sữa bằng tiếng anh, thông tin hộp sữa dùng rất nhiều tiếng anh, có hình em bé tây, thuê người nước ngoài quảng cáo.

Cộng thêm câu nói “nguyên liệu nhập khẩu từ Mĩ” mà chữ “nguyên liệu” ghi nhỏ, “nhập khẩu từ Mĩ” to lên. Khiến nhiều người hiểu lầm sữa này sản xuất tại nước tiên tiến và sẵn sàng chi ra số tiền rất lớn để mua nó.

Trong khi sữa Vinamilk, Nutifood chất lượng tương tự (thậm chí còn có thể hơn) mà giá chỉ 1/2, 2/3.

Sản phẩm của Vinamilk được công bố bài bản và đăng tải công khai

✅ Sản xuất trong nước lại chia ra là Trực tiếp sản xuất và Thuê gia công.

3/ Sữa do Công ty sữa trực tiếp sản xuất

Công ty chịu trách nhiệm về sản phẩm sữa cũng chính là Công ty sản xuất ra sản phẩm luôn. Tức là Công ty này có Nhà máy sản xuất sữa.

Để làm được điều này, Công ty phải có tài chính mạnh (để đầu tư máy móc, nhà xưởng) và có đội ngũ nghiên cứu sản phẩm chuyên nghiệp.

Từ đó họ kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn, có trách nhiệm với sản phẩm của mình hơn.

4/ Công ty thương mại thuê gia công sản xuất sữa

Thuê gia công tức là Công ty chịu trách nhiệm về sản phẩm sữa đi thuê một bên khác sản xuất cho mình (gọi là bên gia công).
Công thức sữa có thể do bên gia công cung cấp hoặc theo công thức của công ty đặt hàng.

::: Bên gia công này có thể là các công ty lớn – họ cũng có sản phẩm của họ và nhận gia công thêm.
Option này cũng khá yên tâm vì công ty lớn họ cũng chọn lọc đối tác chứ không tuỳ tiện gia công cho sữa cỏ.

::: Hoặc bên gia công này cũng có thể là các công ty sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau, trong đó có sữa.

⚠️ Mình vừa kiểm tra nguồn gốc sữa một brand sữa tăng chiều cao thuê bên khác gia công. Khoe Giấy chứng nhận ISO của công ty gia công các kiểu. Nhưng mình tìm mãiiii không thấy dòng nào liên quan đến sản xuất sữa.

Thay vào đó chỉ có: kinh doanh dung dịch tai mũi họng, dung dịch sát khuẩn, bột ngâm chân và thậm chí là dung dịch vệ sinh phụ khoa,…

Còn đủ điều kiện sản xuất sữa của công ty này thì nằm ở Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (level thấp nhất).

Nội dung được cấp chứng nhận là được phép: sản xuất thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bao gói sẵn dạng bột, trà, cốm, lỏng. Cũng chẳng chuyên về sản xuất sữa.

::: Có thể thấy, Bên gia công này là một cái xưởng sản xuất hằm bà lằn thứ. Nó được tạo ra để xin các loại chứng nhận rồi nhận gia công theo đơn đặt hàng.

Cùng một nơi, vừa sản xuất sữa cho trẻ em vừa sản xuất dung dịch vệ sinh phụ nữ. Khi biết điều này bạn có còn hào hứng mua nữa không?

::: Để xin các loại chứng nhận này, mình nói thật nhé: vài chục triệu.

Nếu là một công ty coi được được xíu thì chỉ cần chuẩn bị, dọn dẹp cơ bản ngày tiếp đoàn là được. Vì đoàn kiểm tra chỉ dựa trên ngày đó để ra giấy phép.

Sau đó tuân thủ điều kiện an toàn là do Cơ sở sản xuất tự chịu. Nếu kiểm tra có sai phạm thì bị phạt, còn không kiểm thì thôi. Nên uy tín của doanh nghiệp đó vẫn quan trọng nhất. Nhà nước đâu có rãnh mà ngày nào cũng đi kiểm nổi, ở VN thì quản lý còn lỏng lẻo ai cũng biết rồi.

Chứng nhận này dành cho sản xuất Khẩu trang y tế nhưng lại được đem ra quảng cáo cho sữa?

::: Giấy an toàn thực phẩm là do Nhà nước cấp. Còn HACCP và ISO do các đơn vị chứng nhận tư nhân cấp, có thể thay thế Giấy ATTP.

Có rất nhiều đơn vị chứng nhận uy tín. Nhưng một vài đơn vị cấp chứng nhận này lại không uy tín. Họ chỉ nhận tiền là ra chứng nhận thôi chứ cũng không kiểm tra gắt gao mấy. Nên mình nói chỉ cần vài chục triệu có giấy là vậy.

::: Nên nếu xét cho sâu thì phải xem HACCP và ISO này do tổ chức chứng nhận nào cấp nữa. ISO cũng có ISO đít ISO đát. Hoa hậu cũng có Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu ao làng.

5/ Công ty ma

Thậm chí bên gia công hoặc công ty chịu trách nhiệm cho sản phẩm này là một công ty ảo ma Ca na đa nằm trong xó xỉnh nào đó. Không biết có được cấp giấy ATTP thật không hoặc cấp xong có khi đã dọn đi đâu hết.

Năm ngoái VTV đã làm phóng sự liên quan tới vụ này rồi. “Nhiều công ty sữa bột dùng chung một xưởng sản xuất ma”. Mọi người có thể tìm xem để hiểu thêm về cách kiểm tra nguồn gốc sữa.

6/ Cách kiểm tra nguồn gốc sữa:

::: Bạn hãy xem phía sau hộp sữa:

– Dòng “Sản phẩm của…” thì trong dấu … là Công ty chịu trách nhiệm về sản phẩm.
– Dòng “Sản xuất tại…” thì trong dấu … là nơi sản xuất ra sữa (bên gia công).
Nếu địa chỉ công ty sản xuất sữa mà là hẻm hóc, nhà phố thì suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định mua hay không nhé.

::: Nếu kỹ hơn thì bạn gõ vào GG cụm từ “Bản công bố sản phẩm sữa ….” – điền tên sữa vào dấu …
Theo quy định, công ty phải niêm yết công khai bản công bố sản phẩm này (phương tiện tt đại chúng, trang điện tử của mình hoặc tại trụ sở).

Các công ty sữa lớn họ đều niêm yết các bản công bố này rất công khai. Như vậy chúng ta đã check được nguồn gốc sữa là nhập khẩu, sản xuất trong nước (tự sản xuất hay gia công) rồi.

7/ Cẩn thận thông tin giả, chứng nhận giả

Khi vào web của một hãng sữa, các bạn kéo xuống dưới tìm cái biểu tượng “Đã thông báo Bộ Công Thương” màu xanh rồi bấm vào.

– Nếu link dẫn đến trang web của Bộ Công Thương tức là web này đã được duyệt. Nguồn thông tin có thể tương đối tin cậy.
– Nếu không có biểu tượng hoặc bấm vào biểu tượng mà không ra link nào thì trang web chưa được nhà nước phê duyệt.

Người xem nên cân nhắc và tự kiểm chứng thông tin trên các nguồn khác chứ đừng vội tin.

Bấm vào chữ “Đã thông báo Bộ Công Thương” mà không có link tới web Online chấm gov chấm vn là kiểm chứng thêm nhé.
Công ty lớn, sản xuất sữa trẻ em mà không xin chứng nhận này nổi, có uẩn khúc gì?

8/ Giải thưởng chứng nhận Vịt

Ngoài ra còn có các loại giải thưởng, chứng nhận được đăng đầy trên web.

– Các bạn hãy nhìn kỹ xem có phải hình Photoshop không nhé. Bây giờ cắt ghép còn nét hơn thật luôn.
– Và xem chứng nhận đó do tổ chức nào cấp nữa. Hay ho là chỗ này.

Mình thường xuyên được mời nhận giải Thương hiệu hàng đầu Việt Nam, Doanh nghiệp Vịt, Sao vàng Đất Vịt với chi phí chỉ 10 trịu đồng.

Hôm đó tới ăn mặc lồng lộn rồi nhận giải, chụp hình về up Facebook. Chẳng có tiêu chí gì cả. Coi như trả tiền người ta dựng phông nền, mướn người đứng trao bằng cho mình thôi.

Tiền càng nhiều thì cách tổ chức chương trình này càng tinh vi. Nên cũng phải xem giải thưởng gì có uy tín không bạn nhé!

TÓM LẠI:

Không phải sữa nhập khẩu tốt hơn sữa trong nước. Mà mình muốn các bạn không trả “cái giá cho sữa nhập khẩu” để mua về “hộp sữa cỏ trong nước”. Muốn chọn sữa nào cho con thì phải kiểm tra nguồn gốc sữa công thức đó cho kỹ vào. Chứ đừng chỉ nghe lời cô nhân viên bán hàng tư vấn.

Ngày nay khối người bán hàng giả, hàng kém chất lượng mà còn không biết. Chính vì tin, nên họ càng tư vấn hăng say hơn.

Trang bị kiến thức mới là áo giáp bảo vệ mình tốt nhất các bạn ạ.

Trả lời