ahappyTRAN

Trân không phải là chuyên gia mà chỉ kể câu chuyện của Bản thân mình

MA CHÊ – CƯỚI TRÁCH

Câu nói này được lưu truyền từ thời xưa tới nay vẫn “còn nguyên giá trị”. Bây giờ, khi mà con người ta đều đã thoát ra được ám ảnh “ăn no mặc ấm”, ai cũng muốn “ăn ngon mặc đẹp” thì các nhu cầu tinh thần ngày càng cao hơn.

Vì lẽ đó nên dù các thủ tục lễ nghi ma chay cưới hỏi cũng đã có sự giản lược và biến hoá cho hợp thời nhưng vẫn còn nhiều chê khen, buồn phiền, giận hờn trong những dịp ấy.

Đám tang là chuyện không mong muốn – đến bất ngờ, nên trên Cáo phó luôn có câu: “Trong lúc tang gia bối rối, nếu có bất cứ điều gì sơ suất, gia đình mong nhận được sự cảm thông và lượng thứ.” Ai mà chê khen, trách móc trong mấy dịp này thì thật sự là hơi dở.

Tuy nhiên, đám cưới thì không bao giờ có câu tương tự. Bởi, đám cưới là một sự kiện được chuẩn bị từ trước, khách đến tham dự đều là do được “mời”. Chắc vì vậy nên sự xét nét, giận hờn trong đám cưới xuất hiện nhiều hơn.

Đây là dịp trọng đại, là một trong những ngày vui vẻ hoan hỉ nhất trong đời người. Tuy nhiên không ít mối quan hệ sứt mẻ tình cảm, thậm chí cạch mặt nhau cũng từ chuyện nhỏ trong đám cưới.

1/ Chuyện mời cưới

Mình có một người bạn. Anh này đưa ra một quy tắc: ai mời cưới phải đến đưa thiệp trực tiếp, nếu không thì ảnh sẽ không tham dự. Thật sự thời buổi này, phát thiệp tận tay cho tất cả mấy trăm khách mời là điều cực kỳ khó.

Ở Hàn Quốc người ta đã dùng thiệp mời điện tử từ lâu. Chứng tỏ, việc mời cưới không nhất thiết phải diễn ra trực tiếp mà có thể nhờ công nghệ hỗ trợ.

Mình thấy cách thức mời cưới online hay offline bây giờ không còn quan trọng nữa. Cái chính là thái độ của bạn dành cho khách mời và mức độ thân thiết với nhau thì mới quyết định chuyện họ vui vẻ đi hay không đi.

Một đứa bạn đám cưới sau mình vài ngày đã mời rất nhiều bạn bè trong lớp. Nhưng đến hôm diễn ra buổi lễ thì gần như không ai tham gia cả. Lý do là vì bạn đó đã chụp hình tất cả thiệp cưới, soạn sẵn đoạn văn mẫu rồi gửi đi hàng loạt qua Messenger như tin nhắn quảng cáo tự động.

Một người bạn khác còn vào Group lớp, đăng một dòng mời lơi: “Ngày mai là đám cưới của mình, bạn nào có thời gian thì sắp xếp đến chung vui” 😂.

Câu nệ chuyện lễ nghi là không cần thiết, nhưng với những trường hợp này là cẩu thả, xuề xoà. Khách mời cảm thấy không được trân trọng thì chuyện họ không đi là điều bình thường.

✅ Nếu là chủ nhân của buổi lễ, hãy đảm bảo mình phân loại được khách mời và có cách thức phù hợp cho từng đối tượng:

  • Nên dành thời gian mời trực tiếp những khách quan trọng, đề cao lễ nghĩa như là Người lớn trong gia đình, Sếp, Đối tác quan trọng, Bạn bè thân mà biết tính nó khó,…
  • Khách mời còn lại thì chia theo nhóm rồi hẹn ra Café để gặp chung và mời thiệp từng người. Nhờ dịp này, bạn cũng sẽ thăm dò được khách mời có ý định tham gia tiệc cưới hay không để định lượng món ăn cho phù hợp.
  • Những bạn không hẹn gặp được thì chúng ta sẽ xin số điện thoại để gọi điện mời. Chào hỏi xã giao xong, thì đi vào vấn đề bằng một lời mời chân tình, nhiệt thành. Nếu là Trân thì Tr sẽ rất vui vẻ với cách mời cưới này luôn á. Kết thúc thì bạn gửi hình chụp thiệp mời, ghi chú giờ giấc, địa điểm lại cho bạn ấy một lần nữa. Vậy là quá ổn rồi.
  • Trừ khi nào đã thử nhiều cách mà gọi không được thì mới phải mời qua tin nhắn. Lời mời cũng cần cá nhân hoá từng người để tránh bị hiểu lầm là gửi hàng loạt.

Nhưng dù thế nào, các bạn cũng phải xác định tinh thần nhóm khách mời này sẽ có thể không tham gia. Dễ hiểu thôi, liên lạc online còn không được huống chi là gặp trực tiếp ngoài đời.

Khi đã làm hết tâm sức cho chuyện mời cưới rồi, mà có ai đó không tham gia – cũng không báo lại bạn câu nào thì không còn gì tiếc nuối. Khách mời tham gia được thì vui, không tham gia được thì thôi chứ biết sao giờ.

Nếu mối quan hệ vẫn tốt đẹp thì dịp sau chắc chắn sẽ còn nhiều dịp chung vui khác. Còn mối quan hệ đã quá nhạt rồi thì đã đến lúc để họ lại trong quá khứ.

✅ Trường hợp ngược lại, khi bạn là khách mời mà được mời quá cẩu thả thì bạn hoàn toàn có quyền quyết định đi hay không đi.

Lựa chọn đi, thì nên xí xoá bỏ qua. Đừng vừa đi vừa ghim – đã là bạn bè thì nên góp ý thẳng hoặc là bao dung được thì tốt.
Còn không đi, thì nên báo với bạn kia luôn cho bạn ấy sắp xếp mâm cỗ.

Báo họ trước ít nhất một tuần thì gửi tiền mừng hay không không quan trọng. Đừng ép bụng phải gửi tiền mừng rồi nhớ hoàiii, làm như người ta vay mình 500k không trả 🤣

2/ Chuyện tiền mừng cưới

Sau chuyện thiệp mời thì tới vụ Tiền mừng. Đây là vấn đề tế nhị nhưng gây được mất lòng nhau nhất luôn nè.

  • Hồi nó cưới, mình đi nó 500k, giờ nó đi lại có 400k.
  • Hồi nó cưới, mình đi nó 500k, giờ nó cũng đi lại có 500k – trong khi giờ Đô la lên 26 ngàn rồi.
  • Nó cưới ở quê đặt người ta nấu có 2-3tr một cỗ bàn, mình đi nó 500k. Mình đãi nhà hàng White Palace, tiền ăn tiền trang trí cũng 8-9tr một bàn, mà vợ chồng nó đi có 1tr.

Nhớ lại thời mới ra trường, mình phải tự lo tiền ăn mặc ở, tiền học phí đi học lên cao, lương tháng nào lãnh ra hết tháng đó. Tháng 12 năm đó được mời rất nhiều đám cưới, trong đó một đám cưới ở nhà hàng cao cấp SG. Vì đã quá thấu chi, nên mình vét hết bóp cũng chỉ được 500 ngàn để bỏ vào thiệp mừng cưới ấy.

Mình tự an ủi rằng, sau này khi cưới mình cũng chỉ mong mọi người thành tâm đến chúc phúc thôi chứ không quan trọng hoi đi bao nhiêu. Nên hy vọng cô dâu chú rể này cũng sẽ như thế 🙏. Nhưng đến giờ, mình vẫn vô cùng áy náy vì có vẻ như trong mắt cdcr năm ấy, mình đã là đứa không biết điều.

Vì thế nên sau này, mình đã cố gắng liệu cơm gắp mắm và tự chuẩn bị đủ tiền chi trả tất cả chi phí tổ chức đám cưới mà không đợi khui thùng thư. Lúc đó, tiền mừng trở về đúng bản chất của nó, là món quà chúc phúc của khách mời dành cho mình – chứ không phải là “lấy lại vốn” hay “tiền nợ” sau này mình phải trả lại.

Mình thấy thật sự nên như thế.

Trong xóm mình, các bà các cô hay nói với nhau: Tiền mừng cưới đã có định lượng sẵn rồi. Việc nhà đó muốn làm hoành tráng hơn, đãi sang hơn thì không ảnh hưởng đến số tiền mừng mà họ chuẩn bị. Cũng hợp lý.

Có nhiều gia đình không dám ăn, không dám mặc nhưng tháng nào cao điểm phải dành ra 3-4 triệu bạc để đi đám cưới. Chẳng lẽ họ còn phải hỏi thăm gia chủ đãi Rượu đế hay Bia Heneiken rồi mừng thêm 500k cho nhà đãi bia. Sau này họ gã con, chỉ đủ sức đãi rượu trắng thì người ta đi lại 300k à?

Nên nhớ, đãi nhà hàng bình dân hay Gem Center là vì bạn muốn đám cưới thật lung linh hoành tráng. Khách mời không có yêu cầu. Nên lỡ họ không mừng được phong bì dày thì cũng đừng trách họ. (Dĩ nhiên với vai trò khách mời thì bạn cũng nên cân nhắc lại tiền mừng một chút).

Mình có đứa bạn, giờ nhìn mặt ai nó cũng nhớ ra được số tiền mừng mà người đó đã đi trong đám cưới nó. “Anh này hào phóng đi hẳn hai chịu cho đám cưới tao”. Còn nhỏ này keo: “không đi mà gởi có hai chăm”. Mỗi lần nghe là mình thấy hơi nhột 😅. Bạn có biết đâu, “hai chăm” ấy là 4 5 bữa ăn nhín nhúc lại – vì bạn này đang trải qua một giai đoạn khó khăn?

Thoải mái lên nào các cô dâu chú rể. Xem theo tình hình tài chính hiện tại mà làm. Đừng xem khách mời phải có trách nhiệm gánh còng lưng cho những giấc mộng sa hoa, lộng lẫy của mình.

Còn xui rủi gặp phải những người ăn sập đám cưới mình mà không đi tiền thì cứ coi như mất một ghế tài xế, hay bàn lẻ bị ghế dư không có người ngồi đi. Chắc chắn là 1-2 người cũng không làm ảnh hưởng gì tới ngày vui của bạn. Lần sau cạch mặt nó ra, đừng mời nó nữa là được 😊

✅ Còn với vai trò là khách mời, bạn nhắm đi được bao nhiêu thì đi. Đừng đi với tâm lý mình đi nó nhiêu đây để sau này nó phải đi lại mình nhiêu đó.

Biết sau này bạn có cưới không? 🤣 Hay lỡ 10 năm sau bạn mới cưới, rồi tính trượt giá như thế nào cho đúng kì vọng của bạn.

Nói thật, cưới xong mình phải nhập liệu toàn bộ số tiền mừng lên Google Drive. Hễ có thiệp cưới là vợ chồng mình căng mắt ra xem hồi xưa người đó đi mình bao nhiêu để đi lại. Mà xui xui buồn buồn bị mất cái file, mất cuốn sổ, chắc còn hơn mất sổ gạo. Mất rồi thì làm sao mà nhớ hết để trả lại cho bạn kkkk

Tiền bạc là phụ hoạ thôi, “Sự hiện diện của bạn là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi” – chẳng phải thiệp cưới nào cũng có câu đó sao? Đâu ai bảo “Phong bì của bạn là niềm vui của chúng tôi”? Cớ sao lại cứ bắt bẻ chuyện phong bì.

Tấm hình chụp cuối cùng trong ngày cưới kéo dài từ 7h sáng đến gần 12h đêm của tụi mình. Đã có không ít sai sót, nhưng cũng có rất nhiều sự bao dung. Quan trọng là hai đứa đã nhận được vô vàn lời chúc phúc tốt đẹp của khách mời dự tiệc.

3/ Chiêu đãi trong tiệc cưới

Đi kèm với số tiền mừng là một kỳ vọng về món ăn trong tiệc cưới, cách tiếp đón, chương trình buổi lễ. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều cưới lần đầu, có ai có kinh nghiệm sẵn đâu mà yêu cầu một đám cưới hoàn hảo.

Trân đã từng nghe nhiều người đi đám cưới về rồi chê rằng:

  • Đám cưới gì đâu mà đãi toàn đãi gà, rồi cá điêu hồng nữa chứ.
  • Đám cưới tiết kiệm ghê, cô dâu chỉ thuê đúng một chiếc váy
  • Cô dâu chú rể lo tiếp khách Sài Gòn, còn mình ở quê không ai thèm tiếp.

Nhiều, nhiều lời chê khen, bàn ra tán vào như vậy lắm.

Thông thường, những cặp đôi nào đã trải qua áp lực cưới hỏi thì sẽ dễ hiểu và thông cảm hơn cho những thiếu sót trong ngày cưới của cặp đôi khác. Tuy nhiên cũng không ít cặp đôi quá chu đáo và may mắn có ngày vui hoàn hảo lại luôn dùng đám cưới mình làm thước đo cho tất cả mọi người.

Dù cưới rồi hay chưa, thì chúng ta cũng nên mở rộng lòng ra để trở về đúng bản chất của một khách mời đến dự đám cưới: đến để chứng kiến và chúc phúc cho đôi tân lang và tân nương.

Không phải gia đình nào cũng may mắn được đủ đầy, được họ hàng giúp đỡ. Mình biết có rất nhiều bạn cha mẹ lớn tuổi, gia đình khó khăn. Để tổ chức được buổi lễ báo hỷ trên Sài Gòn thì các bạn cũng cân nhắc rất nhiều. Trước khi khui thùng thư thì cũng phải chuẩn bị đủ tiền để đặt cọc nhà hàng, thuê quần áo, trang điểm,…

Hãy gác lại những so sánh, mong cầu, chuẩn mực khắt khe khi trở thành khách mời trong tiệc cưới. Chúng ta có mặt ở đây để làm gì? Đâu phải chỉ đến để ăn, đâu phải bỏ tiền ra để mua sự phục vụ?

Chúng ta được có mặt trong khoảnh khắc hạnh phúc, thiêng liêng của người mà chúng ta quý mến. Hãy thành tâm chúc phúc cho họ, rồi bạn cũng sẽ nhận lại được như thế.

Ngược lại, khi trở thành cô dâu chú rể thì chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của khách mời. Mình mời họ đến đây để làm gì? Đâu phải mời qua mời lại cho có, hoặc đến để trả nợ lại cho mình?

Hãy giữ lại một mong muốn duy nhất là được họ chung vui, chứng giám cho hạnh phúc của đời mình.

Chúc cô dâu chú rể và khách mời đều có những ngày vui thật đáng nhớ. Bầu đang rất sẵn sàng cho mùa cưới 2022 rồi đây. Mại zô mại zô ❤️❤️❤️

Trả lời