ahappyTRAN

Trân không phải là chuyên gia mà chỉ kể câu chuyện của Bản thân mình

BỤT NHÀ KHÔNG THIÊN

Có bạn nào như mình không, cùng một lời khuyên đó nếu mẹ nói thì mình sẽ không nghe, nhưng người ngoài nói thì mình lại tin răm rắp. Bây giờ mình mới hiểu “Bụt nhà không thiên” là như thế nào.

Viết vào một ngày tôi còn chưa 23 tuổi…

Càng lớn, tôi càng phải thừa nhận rằng MẸ TÔI NÓI ĐÚNG. Từ chuyện ăn, uống, sinh hoạt đến cách sống trên đời, đối nhân xử thế, cách đối mặt với khó khăn, thất bại,… MẸ TÔI ĐỀU ĐÚNG.

Trước đây, tôi với mẹ tôi hay đối đầu trong tranh luận và lúc nào tôi cũng “rống cổ” lên mà cãi lại lập luận của mẹ tôi, cãi không lại thì cũng cố mà cãi chày cãi cối, thua rồi thì vẫn không phục mà “cà quạo cà quạo” nói mãi một câu “MỆT MẸ QUÁ!!!!!” “MẸ…. TỐIIIIIII NGÀY XYZ”.

Vậy mà giờ, từng lời nói của tôi, đâu đó lại phảng phất triết lý của mẹ. Mỗi khi tôi làm sai việc gì, tôi đều thấy mình rất ngu ngốc vì đã không tin lời của mẹ. Tôi nhận ra rằng, tôi chưa bao giờ coi thường ai cả nhưng lại quá tự cao tự đại với mẹ mình.

“Bụt nhà không thiêng” – đúng. Tôi thà nghe lời khuyên vớ vẩn của ai đó xa lạ. Nhưng những lời rỉ rả hằng ngày mà mẹ cố nhét vào đầu tôi, tôi luôn dùng mọi cách ngăn nó xâm nhập vào và cố gắng tống nó ra. Thậm chí, đôi khi tôi còn làm ngược lại. Đến giờ tôi vẫn tự hỏi, tại sao mẹ lại có thể yêu một đứa như tôi và làm tất cả vì nó.

Thời cấp 2 là giai đoạn mà tôi hậm hực mẹ nhiều nhất nhưng cũng là thời tôi cần mẹ nhiều nhất. Khoảng thời gian ấy là lúc mắt tôi đầy ắp hình ảnh mẹ tôi sức cùng lực kiệt, nước mắt lúc nào cũng chực trào và đến giờ cái mà tôi vẫn ám ảnh đó là tiếng gọi yếu ớt của mẹ tôi “Trân ơi…cứu mẹ…”.

Mẹ sinh xong rồi mẹ đổ bệnh, tài chính gia đình thì ọp ẹp, cha thì nhìn đâu cũng thấy gà, Huyền Cơ thì nhỏ tí teo, uống thuốc năm này qua tháng nọ, lại còn cái tội không được xinh.

Lúc mẹ khóc, tôi ngồi trơ ra đó ngu ngơ miên man hàng dài những câu hỏi, thi thoảng chỉ biết vỗ về “thôi mẹ nín đi”. Mà khi đi học tôi bị mấy đứa bạn quái vật trong lớp kêu là “heo ghẻ” này “heo ghẻ” nọ, bị đứa này nói xấu, đứa kia khinh thường, người mà tôi chạy tới ôm sầm cũng chỉ là mẹ tôi.

Những lúc yếu đuối bất lực đó tôi mới thôi không ngăn cản những lời nói của mẹ rót vào đầu. Mẹ chơi vơi cô độc giữa đời, mẹ đáng lẽ chỉ cần ôm nỗi đau của mình thôi là đã hụt chân trong bể nước mắt. Vậy mà tôi không hiểu mẹ còn cánh tay nào mà vẫn siết chặt hai chị em tôi. Tôi tự hỏi mẹ đào đâu ra sức lực để lo cho hai đứa con không thiếu thốn gì từ vật chất tới tinh thần.

Ấy là khi tôi đứng ở tuổi 23 nhìn lại, chứ lúc 12 13 tuổi, tôi cũng ý thức được đó nhưng rồi lại quên đó. Tôi chỉ biết đến bản thân tôi. Mẹ sợ tôi hư nên quản tôi rất chặt chẽ làm tư tưởng thoát ly gia đình của tôi bùng cháy dữ dội.

Học xong tôi chẳng muốn về nhà vì về nhà là một đống việc, rồi còn đứa em đen nhẻm, tóc le the vàng hoe, lúc nào cũng áo ấm, ho hen, nước mũi nước dãi ròng ròng. Mà sợ nhất là về nhà không nghe một tiếng bước chân nào, mẹ đang nằm thoi thóp trong phòng, con muỗi đậu trên tay cũng không còn sức mà phủi. Nên tôi la cà với đám bạn, hàng này quán nọ, chỉ đợi đứa nào đó rủ “Vô nhà tui chơi” là đi ngay.

Gia đình tôi – trong một ngày không buồn bã – hình chụp năm 2010
Tôi may mắn có cha, có mẹ, có ông nội, bà nội, và may mắn khi có những người cô, người thầy hết mực yêu thương tôi. Dù biết bao mâu thuẫn chồng chéo, rối tung rối nùi giữa họ nhưng đối với tôi, ai cũng dành điều tốt đẹp nhất.
Rồi tôi cứ học học tàn tàn vậy. Mẹ tập cho tôi thói quen cứ 7h là ngồi vào bàn học bài. Càng lớn, tôi càng học bài đến khuya nhưng phần lớn là làm chuyện tào lao giữa giờ. Thầy cô không bao giờ trả bài tôi nên tôi không bao giờ học bài kiểm tra miệng. NEVER. Rồi không hiểu sao điểm của tôi cũng không tệ, chắc nhờ nịnh thầy nịnh cô.
Những ngày tháng rong chơi trôi qua, sau cơn giông trời cũng bắt đầu hửng nắng. Dù tài chính vẫn đen thui nhưng kì diệu là bất cứ những gì tôi cần, cha mẹ tôi đều đáp ứng (thật ra thì tôi cũng không có nhiều yêu sách).

Em gái Huyền Cơ nay đã là nữ sinh trung học – xinh xắn, ngoan ngoãn

Tôi không còn thích nghêu ngao bạn bè nữa, chắc cũng do học hành áp lực hơn. Mà có mỗi tội yêu. Từ hồi yêu, từ cái đêm bị cha lôi ra đánh đòn sưng đít thì tôi và mẹ mới bắt đầu “tâm sự mỏng”. Kiểu như nghỉ chơi cha rồi, không chơi với mẹ thì với ai. Tất cả tất cả tôi đều nói với mẹ.

Dù vậy, trong cuộc đời này, mẹ là người nghe những lời nói dối và biện minh của tôi nhiều hơn tỉ lần những người khác – tỉ tỉ lần. Tôi bịa chuyện, vẽ chuyện, nói quá lên, qua mặt, tắt đường,… Tôi nói dối mẹ không biết xấu hổ, không chớp mắt. Tất cả chỉ vì 2 điều: TÔI SỢ MẸ TÔI NHẤT và TÔI YÊU MẸ TÔI NHẤT.

Sợ mẹ không phải là sợ mẹ la, đánh đòn. Tôi sợ bị mẹ tôi vạch trần. Vì mẹ lúc nào cũng chê tôi, chê từ phẩm chất tới ngoại hình, chê tất tất. Nên tôi luôn muốn chứng tỏ tôi là người hoàn hảo, chứng minh mẹ sai. Tôi muốn mẹ tự hào về tôi vì ai cũng tự hào về tôi hết thảy ngoại trừ mẹ.

Dù tôi hiểu mẹ tôi biết hết những lần tôi nói dối. Mẹ cũng cố gắng vạch trần tôi lắm nhưng tại vì tôi bưng bít quá, mẹ không có chứng cứ để buộc tôi thôi biện minh. Với lại cho tôi thẻ tín dụng, nôm na là ghi nợ á. Lâu lâu xạo quá mẹ gom lại một lần đánh đòn, lúc đó lo khóc chứ ở mà biện minh.

Tôi nói dối mẹ vì tôi yêu mẹ. Tôi thấy mẹ luôn bi quan về cuộc sống. Tôi luôn muốn chứng minh rằng cuộc đời này cũng không đến nỗi đen thui như mẹ nghĩ. Ít nhất, mẹ cũng chưa phải thất bại vì vẫn còn có đứa con như tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ nói với mẹ rằng tôi yêu mẹ, hay thương mẹ, hay kiểu kiểu bày tỏ cảm xúc với mẹ tôi. Dù tôi vẫn hay khóc trước khi ngủ, thậm chí là khóc cả trong giấc mơ với những nỗi đau của gia đình và những lời nói lỡ với mẹ. Nhưng khi đối mặt với mẹ, tôi luôn tỏ ra anh hùng, mẹ sai, tôi đúng.

Mẹ vẫn hay gọi mày xưng tao với tôi, và cách chia sẻ về cuộc sống, tâm sự đều bình đẳng công bằng, không bao giờ có chuyện áp đặt. Nên hầu hết thời gian nói chuyện với mẹ, tôi luôn đặt mình vào vị trí sem sem ngang hàng, kiểu như bạn bè với nhau. Đối với tôi, đó thật sự là diễm phúc.

Đôi lúc tự nghĩ, tôi theo nghề luật sư chắc có lẽ vì đã ghiền tranh luận với mẹ rất nhiều. Luật sư giỏi nhất mà tôi từng gặp đó là mẹ tôi. Phải thừa nhận, tôi chỉ có cái mác học cao, chứ không, tôi thua cuộc ngay từ câu đầu lập luận với mẹ.

Từ cái thời khắc bước chân ra khỏi phòng thi đai học, cha mẹ bắt đẩu cho tôi những lời vàng ngọc làm vốn sống trong cuộc đời. Rồi cái hôm tôi khăn gói lên đất Sài Thành, phụ mẫu đã đọc tuyên ngôn: kể từ ngày tôi bước chân lên thành phố, tôi sẽ được tự quyết định cuộc đời mình, cha mẹ không ràng buộc tôi nữa, nếu tôi cần lời khuyên thì cha mẹ sẵn sàng cho, cần “nhiên liệu” thì cha mẹ sẽ nạp nhưng tôi phải tự chịu trách nhiệm cho những gì mình làm.

Và sau cái ngày mà tôi hân hoan khi trở thành “người tự do” ấy, tôi bắt đầu thấm thía. Ước gì có ai đó đét vào mông tôi như lúc xưa, chê tôi thiếu điều như tôi là tấm giẻ rách. Tôi ngây ngô bước ra đời mà cứ nghĩ rằng mình đã lớn. Tôi sĩ diện và hiếm khi nào than phiền về cuộc sống mới của mình với cha mẹ. Và từ đây, tôi từng ngày từng ngày nhận ra những điều mẹ tôi nói là đúng.

Cuộc sống vốn dĩ không hồng hào như tôi nghĩ, nhưng cũng chưa đến nỗi đen như cách mẹ nói về cuộc đời (cũng có lẽ là do tôi chưa đủ trải nghiệm). Khi gặp những chuyện không hài lòng, nghe những lời nói khó nghe thì phải tập quên đi, đừng tức giận.

Tôi học cách buông bỏ. Trước kia tôi là người cực kì cầu toàn, những điều tôi làm thường sẽ tốt hơn những người xung quanh tôi. Nên tôi ôm đồm, muốn tự mình làm hết. Mẹ bảo, tôi ham làm chỉ vì muốn nghe MỘT LỜI TÁN THƯỞNG. Đúng. Tôi có thể nhịn ăn, không ngủ để làm việc. Nhưng nếu không được tán thưởng, đó là một nỗi buồn vô tận với tôi và mọi thứ đã bỏ ra đều vô nghĩa.

Mẹ tôi nói quả thật tôi làm nhanh hơn người, đẹp hơn người và tốt hơn người. Nhưng khi ôm đồm, làm vất vả thì tôi không thể nào vui vẻ được và bắt đầu cau có, quạo quọ. “Lúc đó nhìn mày khó ưa kinh khủng”. Người ta sẽ khen tôi, chẳng qua là nhờ tôi mà họ nhàn hạ. Nhưng họ sẽ ghét tôi, vì những bực bội ban nãy. Cuộc sống gia đình sẽ như thế, nếu tôi muốn chồng yêu thương, hạnh phúc thì phải tập buông bỏ.

Khi nào mệt rồi thì nghỉ, những việc lặt vặt khi nào làm hổng được? Hoàn hảo thì họ ồ lên đó, rồi quên ngay. Mà chỉ cần một thiếu sót nhỏ thì không hoàn hảo nữa. Thế thì theo đuổi chủ nghĩa đó làm gì mà đày đọa bản thân. Con người cần được nghỉ ngơi đầy đủ. Lúc khỏe thì không biết quý, khi mất rồi thì trả giá gì nó cũng không quay lại. Mấy đứa tươi vui là mấy đứa biết cách “lười”.

Bây giờ, mẹ tôn thờ chủ nghĩa “SỨC KHỎE”. Mẹ cũng đã hết chê tôi rồi, ngoại trừ da dẻ của tôi. Mỗi lần trước khi về quê là tôi rất stress vì biết thế nào mẹ cũng chê thối nát cái mặt tôi ra.

Có một giai đoạn tôi tự đắc vì mẹ không còn gì để chê nữa. Thế rồi ăn uống vô độ vào, giờ này mỗi khi soi gương là tôi lại thấy nhục như con cá nục. Thể trạng mỗi người mỗi khác, phải biết mình chứ không phải anh ăn được, em ăn được. Giờ thì tốn cả triệu tiền thuốc và dưỡng da. Cầm tiền trả mà thấy nhói nhói lên lời của mẹ. Ối mẹ ơi, mẹ đúng rồi. Đừng nhai đi nhai lại trong đầu con nữa. Ám ảnh. Hehe.

Còn nhiều nhiều lắm những gì mẹ từng nói với tôi. Tôi cứ tưởng tôi quên hết những cơn lũ lời nói mẹ xả vào tai tôi chớ. Ai dè nó đập qua đây vỗ qua kia chạy hết vào đầu tôi. Giờ mỗi khi làm sai, tiếc nuối điều gì thì tự nhiên não tự bật chế độ AUTO nhai lại. Ôi nhức xương. Ối mẹ ơi, mẹ đúng rồi.

Bây giờ, mẹ đã chiến thắng mọi bệnh tật, vượt lên trên tất cả để sống vui vẻ, lạc quan và “cống hiến cho đời”. Gia đình tôi bây giờ hạnh phúc, nhỏ em ngày xưa ấy cũng như cây chuối con mọc sau lưng mẹ, xanh rì và hứa hẹn tương lai.

Nhưng dù gì dù, mẹ vẫn là bí ẩn mà không bao giờ tôi hiểu hết. Mẹ tôi bảo đảm không giống với bất cứ người phàm nào trên thế gian này. BAO TEST.

VÀ, những điều mẹ nói với tôi – mà tôi rống họng cãi ngày xưa đó, tôi phải thất bại ê chề thừa nhận rằng nó ĐÚNG. Mẹ như kiểu Einstein ấy nhỉ?

Trả lời