ahappyTRAN

Trân không phải là chuyên gia mà chỉ kể câu chuyện của Bản thân mình

KINH NGHIỆM NHỔ RĂNG KHÔN

Nhân kỷ niệm “mất khôn” do đã nhổ hết răng khôn, mình muốn chia sẻ với các bạn vài kinh nghiệm nhổ răng khôn. Các bạn tham khảo nhé!

1/ Răng khôn là gì? Tại sao có người có, có người không có?

Ngày xưa rất xưa ấy, con người ăn sushi bò tái, ăn gạo lứt mix với sỏi nên nguy cơ rụng răng là rất cao. Cho nên tạo hoá đã ban cho con người 4 cái răng sơ cua ở cuối đường hàm, khi có cái răng nào hư thì nó sẽ mọc lên thay thế. Lúc đó nó nghĩ như vậy là hay, nên nó tự phong cho mình là “Răng Khôn”.

Bây giờ con người tiến bộ rồi, uống nước ép, ăn thịt gà công nghiệp 4.0 mềm tan, hư răng thì gắn răng giả vô thay nên có vẻ như 4 cái răng sơ cua không còn “vi diệu” mà trở nên thừa thải. Chưa kể cấu trúc hàm của con người ngày càng nhỏ lại, không còn đủ chỗ cho 4 cái sơ cua nguyên thuỷ nữa nên dẫn đến sự đấu tranh, chen lấn giữa răng khôn với những cái răng khác.

Trận chiến nào mà không có thương vong, nên nó sẽ làm cho khổ chủ đau nhức, khó chịu, đe doạ đến “tính mạng” những cái răng liền kề. Do đó từ chỗ vi diệu, răng khôn trở thành sự phiền toái cần phải tiễn cho lên đường càng sớm càng tốt.

Tại sao có người có răng khôn, có người không? Thì chắc cũng tuỳ duyên nữa. Có khi là không có thật, có khi là có nhưng nó đã hoàn thành sứ mệnh lấp đầy chỗ trống của cái răng khác, có khi là hàm bạn to, đủ chỗ cho 32 cái răng. Hoặc là bạn không nhận ra và cũng không đi khám nên không biết.

2/ Khi nào nên nhổ răng khôn?

Muốn biết tình trạng răng khôn của mình như thế nào thì mình phải đến bác sĩ, chụp X-quang. Sau đó bác sĩ sẽ đánh giá mức độ “khôn” của mấy cái răng để chỉ định cho phù hợp. Nếu răng mọc lệch, mọc ngầm, không đủ chỗ mọc thì phải hát bài “tiễn em lên đường” là cái chắc.

Quyền tiễn em hay giữ em là của mình, nhưng mà nếu không nhổ thì mình phải tiếp tục chịu đau và có nguy cơ huynh đệ tương tàn cả hai cái răng đều bị hư hết (do cấn chân răng hoặc sâu răng cả đám).

3/ Chi phí nhổ răng khôn?

Nhổ răng khôn đắt gấp mấy lần nhổ răng bình thường. Tuỳ vị trí “đắt địa” mà cái răng đang toạ lạc thì cái giá phải trả là khác nhau.

Ví dụ vị trí tựa lưng vào núi, kết cấu đan xen nhiều tầng là giá đắt nhất (răng ngầm hàm dưới, mọc lệch) khoảng 1 triệu rưỡi đến hơn 2 triệu. Vị trí phổ thông hơn thì cũng từ 500k đến 1 triệu đồng.

Dĩ nhiên cũng tuỳ nơi, Bệnh viện công thì rẻ hơn Phòng Nha. Nếu tiễn hết 4 cái răng thì bèo bèo cũng tốn hết 3 triệu, còn căng căng là 5 6 chẹo cũng là bình thường.

Dù có xót tiền nhưng mà theo mình hãy ráng “tiễn em” đi theo chỉ định của bác sĩ càng sớm càng tốt. Răng hư, đau răng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. (À, bên dưới mình có chỉ bạn 1 mẹo nhổ răng khôn không tốn phí nữa đó ????).

4/ Nên nhổ răng khôn ở đâu?

Mình có 4 cái răng khôn nhưng mà nhổ ở 3 nơi lận. Lần đầu mình nhổ ở Phòng khám Nha khoa dưới quê, lần cuối thì nhổ ở Phòng Nha ở Sài Gòn. Lần giữa nhổ combo 2 cái ở BV Răng Hàm Mặt trên đường Trần Hưng Đạo (Răng Hàm Mặt).

So sánh Phòng Nha và Răng Hàm Mặt thì mình thấy Phòng Nha thì làm thủ tục nhanh hơn, ân cần, ngọt ngào hơn do đó giá cũng cao hơn so với Răng Hàm Mặt.

Vừa rồi mình nhổ răng khôn hàm trên, mọc thẳng mà đến 1,8 triệu (còn cao hơn lần trước nhổ răng khôn mọc ngầm bị lệch hàm dưới). Tuy nhiên nếu được chọn lại thì mình sẽ chọn BV Răng Hàm Mặt (vừa rồi là do Bệnh viện bắt test cô zít mà mình vẫn còn nguyên zin mũi, ko muốn bị mất zin nên quay xe ra Phòng Nha).

Mình thấy Bệnh viện Răng Hàm Mặt rất sạch sẽ, không đông lắm và nhân viên cũng bị “chanh hỏi” như một số Bệnh viện tuyến đầu. Đặc biệt là tay nghề bác sĩ thì như ông già bẻ răng trong truyện nhát ma con nít thời thơ ấu ????

Có 1 bác chuyên gây tê, từng iem lên ghế nằm ngay ngắn, bác lụi lần lượt rồi nằm chờ thuốc ngấm. Sau có có 1 bác chuyên nhổ, há miệng ra bác nhổ củ cải ý lộn nhổ cái răng hàm trên một phát ăn ngay ????. Răng hàm dưới mọc ngầm bị lệch thì bác tuần tự rạch nướu, cưa bom ý lộn cưa răng làm 4 rồi tiễn em lên đường.

Nói chung thao tác nhanh gọn lẹ dứt khoát, vừa làm vừa huýt sáo. Còn Phòng Nha vừa rồi xoay 7×7 49 kiểu, kéo mồm mình ngoác ra thêm cả gang tay cũng chưa xong. Làm mình cảm thấy bị tâm lý và hơi mệt.

Ngoài ra thì còn có thể nhổ răng khôn ở các BV Quận theo tuyến để được hưởng Bảo hiểm Y tế. Trước hết là bạn đi khám răng xin chỉ định nhổ răng khôn, bác sĩ đồng ý nhổ là mình được nhổ bằng bảo hiểm chi trả. Mình thấy đồng nghiệp cũ của mình đã theo cách này và không tốn đồng nào cả. Các thử xem!

5/ Vài bí kíp nhổ răng khôn

Nên nhổ cùng lúc 2 cái răng trên – dưới để đỡ đau nhiều lần.

Khi nhổ răng hàm dưới thì mình sẽ được gây tê dây thần kinh nên nhổ được cả hàm trên và hàm dưới. Nếu không sau này nhổ riêng hàm trên thì chỉ tiêm tê cục bộ cái răng đó thôi (theo mình thì nó vẫn có cảm giác đau những vùng lân cận và đau miệng).

Đằng nào nhổ răng thì cũng ko đc nhai phía bên nhổ nên 1 cái hay 2 cái cũng như nhau. Theo mình nhổ 2 cái cùng lúc cũng đau hơn 1 cái chút chíuuuu mà thà “đau một lần rồi thôi”, còn hơn lâu lâu lại “thêm một lần đau”. Nếu có gan thì chơi hẳn 2 cặp một lần, lúc này thì hình như bạn sẽ được tiền mê á. Game này mình chưa dám thử ????

Sau khi nhổ xong bạn nhớ dặn Bác sĩ kiểm tra kỹ xem có sót mảnh răng nào không nha.

Mình từng bị sót một mảnh nhỏ cỡ hạt mè do cái kiềm cắn cái răng rớt ra. Sau khi lành mình cứ có cảm giác cộm, đau, lấy tay sờ rất nhọn. Mình đã tự lung lay nó suốt mấy tuần liền để lấy nó ra ???? Nhẹ cả người.

Khi về nhà thì các bạn cứ làm theo hướng dẫn của bác sĩ.

Sau khi vết thương cầm máu, hãy chườm đá thường xuyên chứ không thôi là thành chó ???? mặt xệ ngay. Mình chỉ uống thuốc giảm đau 1-2 cử thôi vì mình không muốn bị nhờn thuốc, kết hợp chườm đá sẽ làm mình thấy dễ chịu hơn nhiều. Còn kháng sinh bác sĩ cho thì uống đủ liều nhé!

Trước khi đi nhổ răng thì nấu sẵn tô cháo.

Nhổ răng về khi nào hết chảy máu là ăn được để uống thuốc không bị xót ruột. Lấy cái muỗng cà phê cán dài chọt thẳng vào trong nuốt luôn khỏi nhai. Nghe hơi man rợ nhưng mà mình thấy làm vậy tránh cho mình đảo hàm theo thói quen thì thức ăn lọt vào vết thương.

Cắt chỉ nướu

Sau khi nhổ răng khôn hàm dưới, bác sĩ sẽ khâu từ 1 – 2 mũi để cố định nướu. Sau khi lành, nếu có điều kiện thì tới Bệnh viện cắt chỉ nhưng mình toàn tự cắt ở nhà vì vết khâu đó chỉ nhằm cố định lại cho đỡ chảy máu chứ nướu cũng ko liền lại được.

Do Bác sĩ khâu chỉ hơi căng nên mình khó chịu quá cắt sớm 1-2 ngày cũng không sao. Lần này nhổ răng hàm trên bác sĩ không cần khâu nên mình nghĩ nó cũng không quan trọng lắm.

Teng teng! Kinh nghiệm nhổ răng khôn của mình đến đây là hết. Chúc mí bạn có cuộc chia tay các em một cách nhẹ nhàng không bi luỵ nhé ????

Trả lời