ahappyTRAN

Trân không phải là chuyên gia mà chỉ kể câu chuyện của Bản thân mình

SỐNG TÍCH CỰC: 5K CHO TÂM HỒN

Mùa Dịch bệnh hoành hành, ai cũng ít nhiều bị tuột cảm xúc. Vậy làm cách nào để xây dựng lối sống tích cực hơn? Lấy ý tưởng từ nguyên tắc 5K của Bộ Y Tế, chúng ta cũng nên có Nguyên tắc 5K cho Tâm hồn.

Định “Hello September” nhưng nhớ lại bây giờ khái niệm tháng, thứ, lễ đã không còn quan trọng nữa vì ngày nào mình cũng ở nhà. Bây giờ người như chim lồng cá chậu, suốt ngày quanh quẩn trong một không gian kín, đợi cho ăn, đợi ngày được tự do. Cho dù mạnh mẽ thế nào thì chắc hẳn bạn cũng có một vài ngày tâm trạng lòng thòng không muốn làm gì cả.

Đó là chưa kể trên mạng tràn đầy những thông tin số ca nhiễm, những mảnh đời bất hạnh, những bất cập trong cơ chế quản lý nhà nước. Rồi thương cảm, bất bình và tranh luận. Đầu óc mới giãn ra được một chút để tìm cái giải trí thì lại hít drama nổ phổi, từ trong nước tới nước ngoài.

Stress sẽ thăm từng nhà, sẽ đi thăm từng người.

Thật ra những thông tin toxic lúc nào cũng có. Đời luôn có bất công nên cọng lông không bao giờ thẳng. Chỉ là ngày thường ta có nhiều mối quan tâm khác nên không theo dõi sâu sát như hiện nay. Hoặc có bị ngộ độc nhưng sau đó được giải độc bằng cách gặp những người thương, người có năng lượng tích cực hay đi đâu đó hít thở cho chất độc tan vào trời đất.

Vậy bây giờ làm cách nào để đuổi Cô Stress đi xa? Cô này thật ra mới là Trùm Cuối đó, huỷ hoại con người trở thành “thây ma” vật vờ như chết chửa chôn.

Theo mình thì cũng như Cô Vi á, nên thực hiện theo nguyên tắc 5K:

☘ Khẩu trang: dĩ nhiên không phải là đeo khẩu trang khi hít drama ???? Nghĩa là mình phải tự tạo màng lọc hạn chế tiếp xúc với những thông tin tiêu cực khiến mình nản lòng hoặc tức giận.

☘ Khử khuẩn: luôn thanh lọc những nguồn nguy hiểm gieo rắc con vi rút stress cho ta. Ví dụ như unfollow người bạn mà ngày nào cũng than trời trách đất, chửi chính quyền. Đang vui lướt thấy stt của nó là bao nhiêu “dương khí” của mình bay đâu mất.

☘ Khoảng cách: trừ những người thân thiết, không tiếp xúc quá gần cuộc sống riêng tư của người khác đặc biệt là những người đang bị tổn thương tinh thần. Những người này thường có xu hướng kể với tất cả mọi người về nỗi đau của họ để giải toả bớt tâm lí (phàm thì cái gì bị quăng đi cũng là rác).

À, tránh tiếp xúc gần chứ không phải vô cảm bỏ mặc nhé. Thể hiện sự đồng cảm, động viên tuỳ theo mức độ thân thiết thay vì nghe kể chi li rồi cùng nhau căm phẫn, buồn rầu cùng họ.

☘ Không tập trung: không tham gia vào các nhóm phản độc, nói xấu, anti (bao gồm cả trên mạng). Luật hấp dẫn, bạn nói về điều gì nhiều thì nó sẽ đến với bạn.

☘ Khai báo y tế: nếu có những dấu hiệu như sốt ho khó thở ý lộn cáu bẳn, trống rỗng, mất ngủ thì nên tìm đến chuyên gia để được hỗ trợ. Nhẹ thì có thể tự chữa trị ở nhà như là xem các video của chuyên gia, tìm đến một đức tin tốt đẹp nào đó. Nặng thì đến bác sĩ tâm lý, các trung tâm trị liệu – chữa lành.

???? Ngoài ra thì nên rèn luyện sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần bằng các bài tập đơn giản như tập thể dục, yoga, thiền, ra ngoài thiên nhiên nhiều hơn (trong mùa dịch này thì chỉ có thể nhú đầu ra cửa sổ).

Mình không phải là chuyên gia, chỉ là kinh nghiệm sống tích cực của mình sau những ngày tháng bị stress hành hạ năm 25 tuổi. Bạn có cách gì khác nữa thì chia sẻ cho mình biết với nhé. Chúc bạn ngày mới thật nhiều năng lượng ❤️

Trả lời