ahappyTRAN

Trân không phải là chuyên gia mà chỉ kể câu chuyện của Bản thân mình

KINH NGHIỆM DU LỊCH HÀ NỘI

Hầu như ai muốn đến các địa điểm du lịch phía Bắc đều phải trung chuyển tại sân bay Nội Bài. Nhiều bạn sẽ lựa chọn tham quan Hà Nội một vài hôm. Vậy, kinh nghiệm du lịch Hà Nội như thế nào?

Xem thêm:

1. Nên đi du lịch Hà Nội vào mùa nào?

Mình từng đến Hà Nội hai lần, một lần vào tháng 6 và một lần vào tháng 12. Trải nghiệm hoàn toàn đối lập nhau:

– Tháng 6 trời nóng, nóng, nóng khủng khiếp. Không phải là nhiệt độ cao thôi đâu mà là cảm giác bí bách khó thở. Mới 10h sáng đi chơi đã cảm thấy rất mệt và muốn về khách sạn ngay lập tức. Ăn gì cũng chả thấy ngon. Sài Gòn cũng nóng như lò thiêu nhưng có quạt ba tiêu thổi nên dù sao cũng đỡ.

Giữa cái tiết trời oi bức đó, tụi mình thèm khát ly nước mía quậy rột rột đầy nước đá, mát lạnh tuyệt vời. Nhưng không, dù mình đã dặn “bán thêm 1 nghìn nước đá”, vẫn chỉ có 2 viên bé tẹo teo. Uống xong chia nhau nhai luôn viên đá vẫn chưa đã. Đến hàng nước, mua 2 ly đá chanh, mua thêm 2 ly trà đá uống xong vẫn không thoả mãn cơn thèm. Chắc người dân ở đây lo tụi mình viêm họng.

trà đá vỉa hè Hà Nội

Ly đá chanh trong truyền thuyết – đã mua thêm đá vẫn ít đá

Tối đó tụi mình quyết định lên tầng 67 Khách sạn Lotte ngắm Hà Nội về đêm và xem xem có mát hơn không. Khônggggggg! Nó vẫn nóng như thường hà. Ngồi trên sân thượng, xung quanh không có tường che mà mồ hôi cứ tuông tuộng. Hời ơiiiii, tức mình muốn xỉu.

top of hanoi tầng 67 toà nhà lotte

Soái ca hơi hờn vì người lấm tấm mồ hôi – Tầng 67 Lotte

– Lần này mình đến vào tháng 12 thì đã biết thế nào bài hát “Trái tim mùa đông” – lạnh teo. Nhưng mà công nhận trong cái tiết trời lạnh thì mới thấy một Hà Nội cổ kính hơn và ngon lành hơn – trời lạnh ăn cái gì cũng ngon sất.

quán ốc hà nội

Còn đây là chàng 1 năm rưỡi sau, vẻ mặt hài lòng khi ăn ốc trong cái máy lạnh xịn xò của mùa đông

trà đá vỉa hè hà nội

Ăn xong làm thêm vài ly trà nóng và ít lạc rang, cắn hướng dương

ăn bún chả hà nội

Trong khi chị nhà thì ăn không ngừng nghỉ

Tóm lại, theo kinh nghiệm du lịch Hà Nội của mình thì nếu chủ yếu là đi Hà Nội thì nên từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 năm sau, lúc này trời ít mưa và không khí dễ chịu hơn. Còn nếu Hà Nội là điểm trung chuyển tới địa điểm du lịch khác thì thử trải nghiệm xem nào, cũng khá thú vị đấy.

2. Nên đi du lịch Hà Nội trong bao lâu?

Theo mình, đi chơi ở Hà Nội 1-2 ngày là đủ nếu không có bạn bè ở đây. Nếu có đồng bọn thì sẽ len lỏi ngõ ngách Hà Nội sâu hơn, nhưng mình nghĩ cũng khoảng 3 ngày là chán.

Vì sao:

– Vì cơ bản, Hà Nội giống Sài Gòn: cũng nhà cao tầng, cũng khói bụi kẹt xe, cũng trung tâm thương mại, khách du lịch nước ngoài.

– Những địa điểm tham quan ở Hà Nội mang giá trị lịch sử, chính xác là để nhìn ngắm. Chụp hình ở đây sẽ mang tính chất “check in” chứ không gọi là “sống ảo” được.

– Đến Hà Nội chủ yếu là cảm nghiệm văn hoá, khám phá sự khác biệt giữa ẩm thực, lối sống của hai miền. Sự khác biệt này ban đầu sẽ thấy thú vị nhưng lâu dần sẽ mang tới cảm giác bất tiện, nhớ Sài Gòn (mình cực kỳ nhớ Hủ tiếu và Cơm tấm luôn huhu).

3. Đi chơi ở đâu tại Hà Nội?

Hà Nội có khu phổ cổ nè, có khu Lăng Bác, khu Hồ Gươm, Văn Miếu Quốc Tử Giám,…. toàn là những địa điểm được “lăng-xê” hết cỡ trong Sách giáo khoa ngày xưa. Nên nhất định phải đi một lần cho sáng tỏ.

Khi đến các điểm ấy, cảm giác ngợ ngờ khó tả, thì ra đây là những ngôi sao trong “truyền thuyết” đó sao? Cảm giác hả? Cũng bình thường, thì biết ờ thì ra nó là nó đó, mình đã đến đây rồi nha, abcxyz.

Chưa đến tầm di sản văn hoá thế giới, nên cũng chưa đến mức miệng chữ ồ, mắt chữ à đâu. Nhưng viếng thăm những nơi này, bạn sẽ hiểu thêm về văn hoá và cội nguồn dân tộc.

Còn nếu không phải là phe bác học thì cứ trải nghiệm văn hoá bằng cách ĂN như mình. Ăn một ngày đàng, mập một sàng nây haha (cái nây là cái mỡ bụng đó mọi người).

4. Nên ăn gì ở Hà Nội?

Văn hoá các tỉnh phía Bắc có nhiều nét tương đồng với nhau dẫn đến ẩm thực Hà Nội không đa dạng như Sài Gòn. Tuy nhiên, bù lại món nào cũng phải nói là chuẩn vị.

Chắc chắn Sài Gòn có đầy Phở, bún chả, nem rán, bún đậu mắm tôm, bún riêu, bún ốc, bún thang, bún ngang, bún mắm (à không có bún mắm nha, đùa đó). Nhưng tập quán ăn uống khác nhau nên nêm nếm cũng khác nhau.

Còn Hà Nội, ăn mấy món này là chuẩn không có gì bàn cãi luôn.

Kể chuyện vui cho nghe, lần đầu ra Hà Nội, bạn trai mình thấy người ta đề bảng “Bún ngan ngon số 1 Hà Nội” liền tấp xe vô, háo hức chờ. Quái, con ngan là con gì ý nhỉ? Dù là con gì thì cũng quyết tâm ăn để biết rồi nói chuyện với người ta nữa. Quán rất rất đông, tụi mình phải chờ gần 1 tiếng. Sau đó bưng ra: “Ối giời ơi đó là con vịt em ơi!!!” hahaha đói tầm này thì con gì cũng quất sất.

Kinh nghiệm du lịch Hà Nội của mình thì thấy cái gì lạ cứ ăn thử, ngon thì mình được dịp khám phá nét đặc trưng ẩm thực mới, không ngon thì mình ăn ít thôi.

bún ngang hà nội

Mâm bún ngan phải giành giật, chờ đợi mỏi mòn

5. Lưu ý những điểm lưu ý khi đi du lịch Hà Nội:

– Cá nhân mình thấy vật giá ở Hà Nội khá đắt đỏ, nhất là khu trung tâm: gửi xe đồng giá 10k, cơm bình dân 30k, bún phở này nọ phải từ 40-50k trở lên, chè cũng từ 20-30k/chén.

– Hà Nội có đường, phố, ngõ, ngách (cách gọi tên khác hẳn Sài Gòn chỉ có đường và hẻm) và nhất là khu phố cổ một đống Hàng, ngoằn ngoèo uốn éo Google Maps chạy theo hổng kịp luôn) khác hẳn trung tâm Sài Gòn toàn đường bàn cờ, chạy lố thì quẹo 1 ngã tư là trở lại ngay).

Nên mình chân thành khuyên các bạn đừng quá cố lần mò những quán ăn trong truyền thuyết nếu như không có thổ địa đi cùng. Trưa đói khát mà chạy nhong nhong một hồi quạo, cắn xé nhau mất vui.

Mẹo nhỏ kinh nghiệm du lịch Hà Nội nè:

Các bạn lên mạng search ra những quán ăn nổi tiếng phải thử và đánh dấu từng điểm một trên bản đồ (bấm vào chỗ “lưu-địa điểm muốn đi”), cùng với những điểm tham quan. Như vậy bật lên bạn sẽ thấy những hàng quán ăn thuận tiện trên đường về và lựa chọn.

cách đánh dấu vị trí google maps

Ví dụ gắn cờ như này này

Nếu như tìm 2 lần không ra thì bỏ cuộc đi, tìm quán khác gần đó ăn hoặc quán nào đông đông thì cứ tấp vô mà dứt. Thời buổi này giá cả công khai, khó thể nào chặt chém nhau được lắm.

Ngoài ra trong quá trình đi chơi thì hãy dùng thiên lý nhãn tia dăm ba chỗ rồi note lại, tới giờ ăn thì 1 đường thẳng mà đi kaka.

– Các món ăn ở Hà Nội và phía Bắc nói chung ít rau xanh hơn miền Nam nhiều, phở cũng k có giá hay rau thơm đồ đâu. Đừng quen miệng “cho thêm dĩa giá trụng”

– Người miền Bắc nấu ăn ít dùng đường mà chỉ dùng bột ngọt/bột canh. Nên lần đầu ăn có thể bạn sẽ không quen.

Thật ra thì cũng ngon đấy nhưng bụng mình không chịu được bột ngọt. Lần đầu ăn ở Hà Nội, mình cứ bị cồn cào trong bụng cả buổi, cổ họng thì khô quéo luôn, mất vui. Nếu như mình thì các bạn nhớ đừng húp nhiều nước lèo quá là sẽ ổn thôi nhé.

– Lưu ý cách dùng từ ngữ khi nói chuyện với người địa phương. Hời ơi, cái này là phải đem từ điển theo nè, không thì thỉnh thoảng sẽ thấy bất lực lắm cơ.

Hôm ở khách sạn, bọn mình muốn ăn mì, bèn gọi lễ tân cho mượn tô dĩa đũa nấu ăn. Trước khi gọi là đã tập dợt kỹ lưỡng lắm rồi:

Cái dĩa thì người ta sẽ hiểu là cái nĩa ấy nên phải gọi là cái đĩa >> ok
Cái tô thì hình như em thấy người ta ghi phở 40k/bát >> tô = bát
Thế đôi đũa gọi là gì anh? … … … thôi cứ gọi thử là đũa xem sao

Cuối cùng người ta đem lên cái dĩa (ok), đôi đũa (ok) và cái chén. huhuhu họ nói cái bát có 2 loại là bát nhỏ và bát lớn cơ.

Rồi lúc đi xe tới trạm dừng chân, mình thấy người ta ăn bắp ngon quá bèn định hình tư tưởng liền: “Cho em 1 quả ngô luộc ạ!” – cùng lúc đó có 2 bạn giọng miền Nam tới oan oan “bán 2 trái bắp đi chị ơi”. Thế là mình được 1 quả lột vỏ sạch sẽ và 2 bạn kia bị dội nước sôi “hong có bán em ơi” Đấy, mượt cái lỗ tai thì mọi chuyện dễ dàng không!

Thế là bọn mình tập dùng từ ngữ cho người ta nghe dễ hiểu và ráng mà tren-sờ-lây ý nghĩa câu nói người ta. Xong xuôi, hai đứa quyết định: khó quá, bỏ qua. Nói ríu cả lưỡi, nghĩ nát cả đầu.

– Cuối cùng, hình như ở Hà Nội không có cái thuật ngữ “Tính tiền” đâu ạ. Ăn xong phải lê thân ra cái quầy thanh toán và định hình lại mình vừa xơi những món gì.

Về điểm này ở Sài Gòn thích thiệc, ăn xong phất tay phát có người đem bill tới ngay, trả tiền xong lại ngồi đó bà tám đợi người đem tiền thừa tới trả.

À, mình cũng bị liếc xéo liếc nghiêng khi lỡ mồm la lên “Chị ơi chị, chị lau giúp em cái bàn với!” hahaha, ông người yêu cười vô mặt. Tính ra ở Sài Gòn sướng thật, từ quán cốc lề đường cũng có người lau bàn sẵn cho luôn.

Hờn “chị ấy” luôn òi kaka.

Mình kể đây không phải là để chê khen, ý mình là sự khác biệt văn hoá và mình cực kỳ tôn trọng điều đó. Hà Nội có nhiều điểm tuyệt vời rất đáng cho mình học hỏi – hôm nào mình sẽ nói sau.

Tóm lại, Hà Nội cũng là một thành phố lớn tương tự như TP.HCM (Sài Gòn) nên ở đây lâu sẽ thấy chán. Cũng nhà cao tầng, cũng khói bụi kẹt xe, cũng trung tâm thương mại, khách du lịch nước ngoài. Tính ra ở Sài Gòn sẽ vui hơn vì có nhiều đồng bọn, chán chán thì hú nhau ra quán cà phê ngồi tán gẫu.

Nhưng Hà Nội là Thủ đô, có bề dài lịch sử ngàn năm và là nơi đặt toàn bộ cơ quan đầu não của Nhà nước nên nếu sống ở Việt Nam mà chưa từng đặt chân tới thủ đô thì cũng hơi thiếu sót nhỉ?

Hãy sắp xếp 1 ngày trong chuyến đi để khám phá Thủ đô thôi các bạn ơi! Sau đó thì chia sẻ, cập nhật thêm kinh nghiệm du lịch Hà Nội cho mọi người với nà!

Trả lời