ahappyTRAN

Trân không phải là chuyên gia mà chỉ kể câu chuyện của Bản thân mình

ĐỌC KỸ TRƯỚC KHI KÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

ĐỌC KỸ TRƯỚC KHI KÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
BÚT SA – GÀ XỐI MỠ

Mình đang hỗ trợ cho một khách hàng bị Công ty kiện đòi BỒI THƯỜNG 600TR tiền chi phí đào tạo sau khi nghỉ việc. Cụ thể, anh này là Bác sĩ. Trước đây vì mong muốn làm việc tại Thẩm mĩ viện này nên anh ấy đã đồng ý ký Hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm và các Hợp đồng huấn luyện, đào tạo phía sau.

Trong Hợp đồng đào tạo này có nêu rõ, anh phải cam kết làm việc cho công ty thêm 3 năm sau khi hết hạn HĐLĐ. Nếu không, anh sẽ phải bồi thường 600tr. Tuy nhiên thực tế, Công ty này chỉ tổ chức đào tạo sơ sài cho đủ hình thức chứ lượng kiến thức thì không có gì gọi là “tinh tuý”.

Đến khi anh này vì lý do sức khoẻ xin nghỉ việc thì công ty cố tình phớt lờ. Sau 6 tháng không được giải quyết thì anh nghỉ việc. Công ty ngay lập tức khởi kiện đòi bồi thường chi phí đào tạo 600tr.

Trong Bộ luật lao động hiện hành, chỉ cần người lao động muốn nghỉ việc (vì bất cứ lý do gì) thì chỉ cần báo trước một thời hạn luật định, sẽ được nghỉ việc. Anh bác sĩ này nghỉ việc không sai Luật lao động, nhưng họ nói rằng vì anh ký Hợp đồng đào tạo, cam kết làm thêm 3 năm nên không được nghỉ sớm hơn vì bất cứ lý do gì.

Đây có thể là kịch bản được xây dựng sẵn trong công ty này để ngăn cản người lao động nghỉ việc. Bằng chứng là cả Lễ tân, Nhân viên chăm sóc da bình thường cũng phải ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ 200-300tr.

Về tình thì mình tin anh khách hàng của mình thắng. Nhưng khi đem ra xét xử tại toà án thì thắng thua còn chưa phân định được. Bên phía Công ty thẩm mĩ viện kia họ nắm nhiều chứng cứ bất lợi cho mình, trong đó có các Hợp đồng mà anh này đã ký. Bây giờ muốn chứng minh ngược lại cũng sẽ là cả một quá trình.

Để tránh rơi vào những rắc rối tương tự, mình xin lưu ý với mọi người để rút kinh nghiệm khi bước vào một môi trường làm việc mới. Đó là: “Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”.

Thông thường chúng ta sẽ có 1-2 tháng thử việc. Hết thời hạn, được nhận vào làm chính thức thì mình sẽ ký một loạt các giấy tờ. Công ty càng lớn thì Hợp đồng lao động càng dài, ngoài ra còn có Thoả thuận bảo mật thông tin, Cam kết hạn chế cạnh tranh,…

Khi ký các hợp đồng này, bạn thường được yêu cầu viết kèm dòng chữ “Tôi đã đọc, hiểu rõ và đồng ý các nội dung của Hợp đồng”. Nhiều bạn chỉ đọc mỗi cái phần thông tin của mình là nhịp đùi ký cái rẹt liền. Ulatr.

Mà thà vậy còn đỡ tức nha, nhiều bạn đọc tới đọc lui kỹ lắm, cũng thấy chỗ này gì kì, chỗ kia hơi ngộ. Nhưng mà lại tự dỗ dành mình “chắc họ ghi vậy thôi chứ hổng xảy ra đâu”, “chắc hổng sao”.

Có sao nha, có rất nhiều sao nữa là khác.

Những công ty nhỏ thì có thể họ copy đâu đó cái mẫu Hợp đồng về cho oách. Có sự kiện gì xảy ra họ cũng hong dám theo đuổi vì ngại tốn kém chi phí luật sư. Chứ cái công ty mà dám bỏ ra 500tr thuê Luật sư soạn ra mẫu Hợp đồng lao động dài 8-9 trang này là có ý đồ hết đó.

Từng câu từng chữ đều là cái sợi dây thòng lọng, chờ chực để siết tay siết chân mình. Khi đặt bút viết dòng chữ “tôi đã đọc, hiểu rõ, đồng ý” này thì bạn phải chắc chắn nghiêm túc rằng mình hoàn toàn thống nhất như vậy.

Ví dụ những ràng buộc như vậy nhưng đổi lại mình được lương cao, phúc lợi cao thì ok, “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Còn mọi thứ cũng thường thường mà đòi hỏi quá thì mình phải cân nhắc kỹ.

Trường hợp muốn đọc mà hợp đồng quá dài không đọc nổi, thì bạn nên lưu ý các điều khoản chính này trước:

1. Thời hạn Hợp đồng: bao lâu, có cam kết không được làm việc chỗ khác sau khi nghỉ việc không?
(Chứ để đang làm bác sĩ, ký hợp đồng này xong, mai mốt nghỉ việc không được làm bác sĩ trong 3 năm thì biết làm gì sống).

2. Thời giờ làm việc – thời giờ nghỉ ngơi: có làm ngoài giờ hành chính không, có làm thứ bảy chủ nhật không, một năm nghỉ bao nhiêu ngày phép

3. Mô tả công việc: công việc này làm ở vị trí gì, chuyên môn gì, chịu trách nhiệm với ai.
(Ghi kỹ chứ để mơi mốt công ty muốn sa thải mình, mà sợ đền Hợp đồng, bắt mình xuống cọ toilet cho mình chán mình nghỉ trước).

4. Địa điểm làm việc: cố định một nơi hay bất cứ nơi nào công ty chỉ định
Lương có 6tr mà ba ngày làm việc Q1, hai ngày làm việc Q9 thì xăng nào chịu nổi. Rồi coi chừng một ngày phải qua Châu Phi làm vì chi nhánh công ty bên đó nha.

5. Quyền và nghĩa vụ của các bên – nhất định phải đọc và hiểu rõ.
Cái nào mà họ ghi “quyền/nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật lao động” thì yên tâm. Còn mấy cái mà lạ lạ, nghi nghi là phải hỏi liền.

Ví dụ trong Hợp đồng ghi “Người lao động bắt buộc phải tham gia các buổi đào tạo, chuyển giao công nghệ và ký Hợp đồng đào tạo…” thì sau này họ đưa Hợp đồng đào tạo mình buộc phải ký rồi. Trong Hợp đồng này toàn bất lợi, nhưng mình không ký thì lại vi phạm HĐLĐ. Vậy đó.

6. Hợp đồng đào tạo: Đọc hiểu rất kỹ trước khi ký – Đọc hiểu rất kỹ trước khi ký – Đọc hiểu rất kỹ trước khi ký (x10 lần)
Nếu như vi phạm HĐLĐ thì thường mức bồi thường của Người lao động khá thấp, chủ yếu là phiền phức và liên quan đến Bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp này kia thôi.

Còn vi phạm Hợp đồng đào tạo, mức bồi thường sẽ lớn hơn rất rất nhiều.

Được công ty cử đi đào tạo là một cơ hội lớn vì kiến thức nằm trong đầu ta, không mất đi đâu được. Công ty cho tiền mình đi học, học xong mình ở lại làm việc cho công ty trong bao lâu đó cũng là hợp lý.

Nhưng nếu mình gặp dạng công ty đểu giả, mang tiếng đi học chứ chẳng học được gì mà lại bị trói cổ ở lại “cống hiến” cho họ thì có khác gì nô lệ đâu. Muốn nghỉ là bị doạ kiện đòi tiền liền.

Phải đọc kỹ Hợp đồng đào tạo này, nếu chương trình học không rõ ràng thì phải yêu cầu công ty cung cấp kế hoạch cụ thể. Nếu cảm thấy công ty cố tình mập mờ, ép mình ký để không cho mình nghỉ việc thì phải mạnh dạn dứt áo ra đi.

Thời đại này, chỉ sợ mình quá dở (mà dở thì mấy công ty này sẽ không tìm cách giữ mình như vậy đâu), chứ không thì chẳng bao giờ sợ thất nghiệp. Đầyyy công ty khao khát có được người tài như bạn. Lỡ mà xui quá thì coi như tín hiệu vũ trụ muốn bạn ra làm chủ bản thân luôn đó đa.

Còn đôi lời nhắn nhủ đến các Công ty đang sử dụng lao động là: Thời buổi này muốn giữ được người tài thì phải giữ được khối óc và trái tim của họ. Chứ dùng chiêu trò gài bẫy thì hổng có lâu bền đâu. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Đa số những người mắc bẫy là họ hiền lành, cả nể. Chứ nếu Họ không nghỉ làm mà ở lại phá công ty thì đến lúc muốn đuổi cũng không đuổi được.

Bởi vậy tui luôn thường trực suy nghĩ làm sao giúp đội ngũ của mình có thật nhiều lý do ở lại làm việc với mình. Chuyển văn phòng mới, tuyển nhân sự đông cũng vì muốn tạo môi trường làm việc tốt, ráng tìm nhiều khách hàng để chi trả thu nhập tốt hơn cho các bạn.

Ráng giỏi, ráng đẹp cũng là để cho Nhân viên tự hào nữa nha mí bạn haha

Trả lời