ahappyTRAN

Trân không phải là chuyên gia mà chỉ kể câu chuyện của Bản thân mình

CÓ NÊN TẶNG QUÀ CHO ĐỐI TÁC

Trung thu sắp đến rồi. Dịp này mọi người đổ xô đi mua bánh trung thu để làm quà tặng: tặng người thân, tặng đối tác, tặng khách hàng,…

Gia đình mình làm nông nên suy nghĩ rất đơn giản: quý ai thì nhà có gì sẽ tặng cái đó. Có sẵn cái gì thì mang ra tặng cái nấy, chứ hiếm khi nào cha mẹ phải suy nghĩ đi mua để tặng cho ai cái gì.

Mình thậm chí còn từng nghĩ việc tặng quà đồng nghĩa với xu nịnh – đút lót nên mình tự hứa với lòng sẽ sống đường đường chính chính. Mình chỉ tặng quà cho những ai yêu thương, thân thiết. Còn với đối tác và khách hàng, chỉ cần làm tốt nhất phần việc của mình thì họ sẽ hài lòng. Việc tặng quà là không cần thiết.


Tuy nhiên sau này mình mới nhận ra, suy nghĩ đó chỉ giúp mình tốt hơn một bậc chứ không phải là tốt nhất. Theo Trân thì có thể phân ra thành 4 dạng:

1 – Làm thì không tốt và cũng không muốn lấy lòng ai
2 – Làm không tốt nhưng chăm tặng quà
3 – Làm tốt nên không cần tặng quà
4 – Làm tốt và biết tặng quà đúng cách

Dạng 1 thì khỏi bàn he.
Dạng 2 thì Trân thấy cũng hay gặp trong cuộc sống.

Một số bạn do biết năng lực chuyên môn mình chưa tốt nên đã tìm cách bù đắp lại bằng cách: mời đi ăn đi uống, tặng bông hoa, quà cáp để lấy lòng hay giữ mối quan hệ. Thậm chí cách này còn để xoa dịu nếu sản phẩm chưa hoàn hảo hoặc lỡ làm gì khách hàng phật ý.

Việc tặng quà này thì cũng không có gì là sai (trừ việc hối lộ). Tuy nhiên tặng quà nhiều thì chắc chắn là tốn kém và đôi khi còn bị tác dụng phụ nữa.

Nếu tặng cho một người sống thiên về tình cảm, cảm xúc thì vui. Còn lỡ mình tặng cho người sống nguyên tắc, lý trí thì có thể làm họ hoài nghi và đánh giá thấp mình.

Thay vì âm thầm trả tiền ăn sáng cho người khác, luôn giành khao mọi người trong các cuộc vui, tặng quà một năm 12 lần không cần lý do thì thời gian đó, tiền bạc đó, chúng ta hãy dành để đầu tư nâng cao năng lực bản thân hơn nữa.

Trân là một người không thích tặng quà không lý do (trừ chồng tặng thì 365 ngày, 8760 giờ, bất cứ khi nào tặng cũng được). Nhận quà từ người không thân mà không biết tại sao mình được tặng sẽ làm Trân cảm thấy mang nợ + hoài nghi “Bạn này muốn gì ở mình?”.

Đối tác của Trân, làm tốt phần việc của nhau là Trân cảm thấy quý nhất rồi. Đó là dạng thứ 3 mà xung quanh Trân hay gặp, và Trân cũng thường biểu hiện như thế. Gọi là sống và làm việc theo kiểu Mỹ nhỉ?

Lễ, Tết, sinh nhật thì chúc nhau những câu thật chân tình là được, quà cáp không quan trọng. Có dịp đi ăn cùng nhau vui vẻ thôi. Tính tiền thì share ra phần ai nấy trả hoặc bao qua bao lại. Quan trọng nhất là nâng cao năng lực bản thân, hoàn thành tốt công việc, đem đến kết quả mỹ mãn nhất cho đối phương là ngon lành rồi.

Trân thấy cách này khoẻ, khỏi suy nghĩ nhiều. Mình không tặng bạn và bạn cũng khỏi phải tặng lại mình. Đầu óc khỏi bị phân tâm bởi những suy nghĩ tặng gì vào Sinh nhật, Lễ Tết.

Lo toan cuộc sống đã quá nhiều, đôi khi hẹn chồng đón về mà còn quên mất tự đặt Grab về luôn, huống chi phải nhớ ngày sinh của từng đối tác.

Gặp, với một đứa cầu toàn như Trân, tặng ai cái gì là phải suy nghĩ 7 ngày 7 đêm muốn nổ não. Có chừng 10 đối tác thôi là một năm suy nghĩ hết 70 ngày để xem nên mua quà gì rồi, thời gian đâu mà làm ăn nữa. Trước giờ Trân vẫn suy nghĩ như vậy và cho rằng đây là cách tốt nhất. Phong cách Mỹ mà, hàng Mỹ là chuẩn đét.

Vài năm gần đây, khi Trân bắt đầu được nhận quà từ một vài đối tác thì suy nghĩ của Trân bắt đầu thay đổi.

Suy nghĩ ban đầu của Trân là: Những mối quan hệ thiên về tình cảm thì mới cần tặng quà, do đó chỉ tặng quà cho người thân (gia đình, bạn bè thân thiết). Đối tác và khách hàng là công việc, nên không cần thiết phải tặng quà.

Vậy tại sao không biến đối tác / khách hàng trở thành người thân thiết? Khi đã xem nhau là người thân thì làm việc cùng nhau sẽ nhịp nhàng ăn ý hơn, giải quyết những sự cố sẽ thiện chí giúp đỡ nhau hơn. Cả đôi bên cùng có lợi.

Có nhiều cách để trở nên thân thiết với một người, và việc tặng quà cũng là một phương thức giúp thúc đẩy sự chuyển đổi diễn ra nhanh chóng. Con người khác với máy tính ở chỗ: con người có tình cảm. Ai cũng thích được nhận quà, chỉ là quà ấy được ai tặng, tặng như thế nào thôi.

Tặng quà vào dịp nào, tặng món quà gì, tặng như thế nào là chuẩn?

Do đây là cảnh giới cao nhất, là sự quyết định sự thành bại của những vòng chung kết cuối cùng nên sẽ không có công thức chung cho tất cả. Quà tặng đắt hay rẻ gì thì còn tuỳ năng lực, sở thích của từng người. Nhưng tất cả phải xuất phát từ tình cảm chân thật, không nhằm mục đích vụ lợi.

Hàng thủ công tinh xảo luôn đắt hơn hàng sản xuất đại trà, công nghiệp. Những món quà mang tính chất cá nhân hoá, đúng sở thích, đúng thời điểm sẽ tạo dấu ấn sâu sắc hơn món quà đại trà, bổ đều trong mấy dịp lễ lộc là vậy đó.

Bạn tặng quà vì lợi ích, người ta sẽ cho bạn lợi ích – vì món quà. Hong có quà hong có lợi ích.
Bạn tặng quà vì tình cảm, sẽ được đáp lại bằng tình cảm. Đã là tình cảm thì…không lợi ích nào đong đếm nổi.

Trung thu không nhất thiết phải tặng Bánh trung thu. Nếu người nhận có con nhỏ, thì bạn cũng có thể tặng một chiếc lồng đèn thật đặc sắc. Hoặc nếu họ mới có người yêu, cũng có thể tặng một cặp vé xem ca nhạc ở phòng trà.

Tình cảm chân thật rồi, còn kỹ năng ghi điểm như thế nào – phải học hỏi và quan sát thật tinh tế thôi mọi người ơi!

À, nhân tiện, Bạn nào có sách hay về vụ quà tặng này, giới thiệu cho Trân đọc với nha ❤️

Trả lời