ahappyTRAN

Trân không phải là chuyên gia mà chỉ kể câu chuyện của Bản thân mình

CÁCH LÊN KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CHO ĐÁM CƯỚI

Đám cưới là chuyện trọng đại cả đời, ai cũng muốn nó thật đẹp, thật lung linh. Nhưng tiền bạc cũng là vấn đề quan trọng. Do đó bạn nên lên kế hoạch tài chính cho đám cưới của mình thật kỹ để không vung tay quá trán.

Cách ước lượng Tiền mừng cưới

Mặc dù không kỳ vọng chuyện lãi lời trong đám cưới nhưng mình nghĩ cần phải làm sao đám cưới không bị lỗ quá nhiều, cần tính toán kỹ để không thể vung tay quá trán. Sau khi tổng kết ở 2 nhà mình rút ra công thức để ước tính “doanh số” cho đám cưới như sau:

– Bạn phải chuẩn bị tâm lý có một vài người đi tiền mừng khoảng 100-200k, đây là chuyện bình thường và đó là quyền của họ. Bạn mở ra thấy thì cứ cho qua thôi không cần càu nhàu làm gì.

– Nếu bạn đãi tiệc tại gia thì hãy tính mức trung bình mà khách mời mừng cưới là 300k. Mức này có thể là 400k hoặc 500k tuỳ theo gia cảnh gia đình bạn khá giả hơn hoặc bạn mời khách ít hay nhiều.

Gia đình bạn càng khá giả thì mức trung bình sẽ càng cao vì tâm lý khách biết hôm nay đi ăn cưới nhà đó sẽ đãi ăn sang, bia Heineken chẳng hạn thì họ sẽ mừng cao hơn bình thường một chút. Hoặc bạn mời càng ít khách thì mức trung bình càng cao vì hầu hết là khách quen thân sẽ mừng ngày vui hậu hĩnh, còn mời càng nhiều thì số lượng khách xả giao, gửi người khác đi giùm càng nhiều hơn.

– Sẽ có những khách thân thiết mừng cưới bạn rất nhiều tiền, cái này thì thật ra đa phần cũng là “tạm ứng” thôi kaka. Nhớ ghi sổ rồi ngày vui của khách đó mình đáp lễ cho tương xứng. Và cũng đừng kỳ vọng vào người nào người nào, được thì mình vui thôi chứ kỳ vọng rồi đâm ra thất vọng.

Cứ lấy mức trung bình thấp nhất có thể nhân với số lượng khách mà bạn mời sẽ ra được kinh phí làm đám cưới. Từ đó bạn lên kế hoạch tài chính cho đám cưới để phân bổ chi phí sẽ hợp lý và kinh tế hơn.

tiền mừng cưới

Cách phân bổ chi phí cho Đám cưới

Lấy ví dụ bạn cho rằng khách mình trung bình sẽ đi 300k/người, mời 300 khách thì bạn sẽ có 90tr. Và lúc này là lúc bạn cần xác định rõ mình sẽ “đập” thêm bao nhiêu tiền vào đám cưới mình đây, ví dụ 100tr. Vậy tổng bạn có 190tr

Phân bổ lần lượt theo thứ tự ưu tiên như sau:

– Bắt buộc: 32 mâm cỗ (đặt dư 2-3 mâm cho gia đình), 1700k/mâm là 55tr, bia nước ngọt 10tr nữa là 65tr.

– Còn lại 125tr thì bạn phải suy nghĩ phân bổ các khoản makeup, trang phục, trang trí tiệc cưới, chụp hình – quay phim cưới, âm thanh ánh sáng, phụ dâu,…

lên kế hoạch tài chính cho đám cưới

Trong hình là bảng tính chi tiết dịch vụ và lịch thanh toán của mình.

Các khoản như: trang trí tiệc cưới (đã được giảm 10% do vừa làm đám hỏi & đám cưới), mâm cỗ cưới, đợt 3 chụp hình quay phim thì có thể thanh toán sau khi đám cưới diễn ra xong. Tức là lúc bạn đã khui tiền mừng rồi, bạn có thể dùng để trang trải (dĩ nhiên là tuỳ lựa chọn của bạn mà phải bù tiền thêm).

Đám cưới là mục tiêu lớn nhất của mình trong 10 năm đầu sau khi tốt nghiệp, nên mình chấp nhận chi tiền thêm để tự mình tổ chức một đám cưới như ý của mình.

Thật ra còn những chi phí phát sinh khác nữa ví dụ như mua quà tặng thầy cô, quà tặng khách mời, giày dép, làm nail, mua cà vạt, phụ kiện, mua trang sức cưới, đãi ăn trong nhà,… Việc lên kế hoạch tài chính cho đám cưới từ sớm và biết rõ mình sẽ chi những khoản nào sẽ giúp bạn có thêm động lực để kiếm tiền nhiều hơn.

Chắc chắn bạn từng nghe ai đó nói: “Đám cưới hào nhoáng làm gì, chị đã trải qua rồi giờ chị thấy tiếc uổng tiền lắm”. Nhưng mình nghĩ, họ đã trải qua cảm giác hạnh phúc, sung sướng rồi nên họ nhìn lại thấy tiếc tiền. Còn nếu bạn bỏ qua thì sau này nhìn lại sẽ thấy tiếc cả một thời thanh xuân tươi đẹp.

Tuy nhiên hãy nhớ, có tiền thì mới chi tiền, tuyệt đối không vay mượn! Đừng chạy theo một giấc mơ mà quên mất bạn là ai, đừng để cuộc sống hôn nhân bắt đầu bằng một đống nợ.

Trả lời